Tính đến hết năm 2018, các nguồn năng lượng tái tạo chiếm xấp xỉ 24% tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Không chỉ có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đảm bảo an ninh năng lượng đối với các quốc gia, việc sử dụng năng lượng tái tạo còn giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích kinh tế bền vững. Nhằm thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và nâng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn cầu lên khoảng 40% vào năm 2040.
Ngày 13/11/2018, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua quy hoạch “Năng lượng sạch” của Liên minh châu Âu (EU). Đây là quy hoạch về các nguồn năng lượng tái tạo, về hiệu quả năng lượng và quản trị liên minh năng lượng của châu Âu. Các biện pháp được đưa ra trong quy hoạch này thiết lập một khuôn khổ về chuyển đổi EU sang nguồn năng lượng sạch, có mối liên hệ với các quy định về khí hậu triển vọng tới năm 2030, nhằm đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Quy hoạch này cũng được xem là những cam kết của Ủy ban châu Âu (EC) trong việc đảm bảo việc tiếp cận năng lượng sạch và an toàn cho công dân châu Âu, đồng thời tuân thủ các quy định về chống biến đổi khí hậu, giúp đưa EU trở thành chủ thể quốc tế dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch của thế giới.
Quy hoạch “Năng lượng sạch” của EU đề cập tới 3 lĩnh vực. Thứ nhất là các nguồn năng lượng tái tạo. Các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, năng lượng biển, địa nhiệt, sinh khối cũng như nhiên liệu sinh học) là những nguồn năng lượng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, đóng góp vào việc giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng giúp giảm thiểu phụ thuộc đối với thị trường nhiên liệu hóa thạch, vốn bấp bênh (đặc biệt là khí gaz và dầu lửa).
Vì vậy, EU đặt ra một mục tiêu mới cần phải thực hiện, đó là từ nay tới năm 2030, 32% năng lượng sản xuất tại châu Âu là từ nguồn năng lượng tái tạo. Các chế độ hỗ trợ đối với năng lượng tái tạo sẽ được cải thiện và các thủ tục hành chính liên quan tới lĩnh vực năng lượng này cũng được đơn giản hóa. Trong lĩnh vực giao thông, EU sẽ áp dụng định mức sử dụng tối thiểu 14% nhiên liệu từ nguồn năng lượng tái tạo (nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai, vì nhiên liệu sinh học thế hệ thứ nhất được sản xuất từ lương thực sẽ đạt trần ở mức 7% tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu của lĩnh vực giao thông EU). Nhiên liệu sinh học chiết xuất từ lương thực, như dầu cọ, sẽ từng bước hạn chế từ nay tới năm 2030.
Thứ hai là hiệu quả năng lượng. EU dự kiến từ nay tới năm 2030 tiết kiệm năng lượng trong toàn khối sẽ đạt ở mức 32,5% tiêu thụ hiện nay. Các quốc gia thành viên EU sẽ phải đề ra các quy định, luật lệ quốc gia một cách minh bạch và phân bổ các chi phí về sưởi, làm lạnh và tiêu thụ nước nóng tại các tòa nhà. Một khi năng lượng được sử dụng hiệu quả hơn, người tiêu dùng châu Âu sẽ được hưởng lợi khi chi phí cho năng lượng sẽ giảm, hơn nữa, châu Âu sẽ giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài về dầu lửa và khí gaz, đồng thời cải thiện được chất lượng không khí và bảo vệ môi trường.
Liên quan tới luật lệ của các quốc gia thành viên EU về hiệu quả năng lượng, các nước thành viên cũng sẽ phải đảm bảo công dân EU có quyền tự sản xuất năng lượng tái tạo cho chính nhu cầu tiêu dùng của mình, dự trữ và chuyển nhượng khi hoạt động sản xuất năng lượng dư thừa.
Về giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng, các doanh nghiệp và người dân châu Âu đưa ra rất nhiều sáng kiến, đáng lưu ý là EU sẽ xây dựng hệ thống kết nối chia sẻ năng lượng sạch giữa các chủ thể sản xuất năng lượng tái tạo (trong đó bao gồm cả các cá nhân, họ tự sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo, khi dư thừa có thể chuyển nhượng phần năng lượng dư thừa đó cho bên thiếu). Ngoài ra, vấn đề tích trữ nguồn năng lượng dư thừa cũng là giải pháp quan trọng để sử dụng hiệu quả năng lượng. Chính vì vậy, ngày 2/5 vừa qua, EU đã thành lập Liên minh Ắc quy châu Âu. Trong thời gian tới, Liên minh Ắc quy châu Âu sẽ liên kết chặt chẽ với Chương trình gói giao thông vận tải sạch, vì cách tiếp cận chính sách công nghiệp của liên minh này bổ sung cho các mục tiêu được thể hiện dưới dạng tiêu chuẩn khí thải trong Chương trình giao thông vận tải sạch của châu Âu.
Thứ ba là về quản trị liên minh năng lượng và hành động vì khí hậu. EU quy định mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện một kế hoạch quốc gia về “năng lượng-khí hậu” trong thời gian 10 năm (mỗi 10 năm lại xây dựng một kế hoạch mới) với các mục tiêu, chính sách và biện pháp ở quy mô quốc gia.
Quy hoạch “Năng lượng sạch” của châu Âu được giới chuyên gia đánh giá là một kế hoạch đầy tham vọng của EU, nếu thực hiện thành công sẽ giúp EU trở thành chủ thể đi đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng sạch và đi tiên phong trong phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu của thế giới. Ngoài ra, đây cũng là kế hoạch giúp tái cấu trúc nền kinh tế châu Âu (theo hướng chuyển đổi nền kinh tế xanh, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường), tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của EU.
Trước xu thế phát triển bền vững, ưu tiên phát triển năng lượng sạch, thân thiện với môi trường của thế giới, Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng chính sách phát triển năng lượng sạch quốc gia. Đánh giá về ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách này, Tham tán công sứ, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng việc Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch là bước đi quan trọng trong hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu của EU, tuân thủ các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đây là căn cứ quan trọng để Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) trong thời gian tới. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Việt Nam có điều kiện tự nhiên và khí hậu rất thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo, trong khi đó, EU có lợi thế về vốn và công nghệ, nên 2 bên hoàn toàn có thể hợp tác để phát triển thành công năng lượng sạch tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, qua bài học của EU về quy hoạch “Năng lượng sạch”, Việt Nam có thể lưu ý, học hỏi những vấn đề như thúc đẩy phát triển năng lượng sạch có lựa chọn, trọng tâm, trọng điểm; tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả; phương án kết nối các nguồn sản xuất năng lượng tái tạo với nhau nhằm chia sẻ giữa những nơi dư thừa năng lượng với những nơi bị thiếu; giải pháp về lưu trữ năng lượng tái tạo (Liên minh Ắc quy châu Âu) và liên kết chặt chẽ với Chương trình giao thông vận tải sạch...