Là một quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào, đồng thời cũng là nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và có nhu cầu sử dụng năng lượng cao, UAE đã sớm tập trung nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng sạch cho tương lai. Dù gặp phải không ít những khó khăn về công nghệ trong giai đoạn ban đầu, UAE đã vượt qua những thách thức đó và thực sự đã trở thành một hình mẫu trong khu vực về phát triển nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Trong chiến lược Năng lượng UAE năm 2050, quốc gia này muốn tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch lên 44% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng, đồng thời giảm 70% tỷ lệ khí thải CO2 trong quá trình sản xuất điện năng. Nếu đạt được các mục tiêu này, UAE có thể tiết kiệm tới 192 tỷ USD cho ngành năng lượng vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, Chính phủ UAE đã đưa ra nhiều sáng kiến và chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái sinh nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng. Hiện điện mặt trời là một trong những nguồn năng lượng tái tạo phức hợp đang được triển khai rộng rãi ở UAE, nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, đồng thời phục vụ quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước. Với trung bình 10 giờ nắng mỗi ngày và hơn 300 ngày nắng mỗi năm, đồng thời chi phí của pin quang điện đã giảm đáng kể trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục trở nên hợp lý hơn trong dài hạn, năng lượng mặt trời rõ ràng trở thành một lựa chọn rất khả thi tại quốc gia Trung Đông này.
Cuối tháng 6 vừa qua, UAE thông báo nhà máy điện mặt trời Noor Abu Dhabi lớn nhất thế giới đã chính thức được vận hành thương mại tại thủ đô Abu Dhabi. Đây là dự án chung giữa Tập đoàn điện lực Abu Dhabi và một liên doanh hai nhà thầu Marubeni Corp (Nhật Bản) và Jinko Solar Holding (Trung Quốc). Nhà máy điện mặt trời này được lắp đặt hơn 3,2 triệu tấm pin quang điện, trải dài trên diện tích 8 km2. Với công suất 1.117 MW và có kinh phí xây dựng hơn 860 triệu USD, dự án này sẽ cho phép thủ đô của UAE tăng sản lượng năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện năng. Bên cạnh đó, nguồn điện mặt trời từ dự án cũng sẽ góp phần hỗ trợ ngành năng lượng của UAE phát triển bền vững và hiệu quả hơn, đồng thời giúp giảm hơn 1 triệu tấn khí thải CO2.
Còn tại Dubai, thành phố này cũng đang theo đuổi giai đoạn ba của dự án Công viên Mặt trời Mohammad Bin Rashid Al Maktoum trị giá lên tới 14 tỷ USD, có công suất 5.000 MW và khi hoàn thành có thể cung cấp điện năng cho hơn 800.000 hộ gia đình vào năm 2030. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, cho tới cuối năm nay, 10% những căn hộ tại thành phố này sẽ có thể tự đảm bảo nguồn điện năng thông qua dự án lắp đặt các tấm pin mặt trời miễn phí, kết hợp cùng sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. Giới chức Dubai cũng khẳng định cam kết xây dựng một thành phố thông minh và ứng dụng mô hình năng lượng bền vững, giúp hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế mà không gây hại tới môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Dubai đặt mục tiêu cung cấp cho thành phố 7% năng lượng sạch vào năm 2020, sau đó tăng dần lên 25% vào năm 2030 và 75% vào năm 2050.
Với một kế hoạch rõ ràng, UAE đã tạo dựng môi trường pháp lý và tích cực hỗ trợ nguồn đầu tư cho sự phát triển liên tục của tài nguyên năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, UAE vẫn phải đối mặt với một số thách thức công nghệ, như cải thiện khả năng lưu trữ năng lượng mặt trời được tạo ra vào ban ngày và điều độ hiệu quả lưới điện quốc gia, đặc biệt nếu UAE muốn tăng cường tỷ lệ sử dụng nguồn năng lượng sạch này như mục tiêu đã đề ra. Các sáng kiến nghiên cứu và phát triển (R&D) để giải quyết việc lưu trữ pin quang điện đang được triển khai, nhưng sẽ mất một thời gian trước khi pin mặt trời và bộ lưu trữ năng lượng có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với các nguồn điện năng truyền thống.
Bên cạnh đó, các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn ở UAE còn đối mặt với tác động của bụi và cát sa mạc, khi chúng có thể bao phủ đáng kể lên các tấm quang điện, làm giảm hiệu quả và tuổi thọ của pin mặt trời. Do đó, thị trường pin quang điện UAE cần những công nghệ giúp pin mặt trời có thể chống chọi với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trên sa mạc.
Giám đốc điều hành hãng cung cấp giải pháp năng lượng Mặt trời quốc tế Phanes Group có trụ sở tại Dubai, Martin Haupts, nhận định rằng sự phát triển của nguồn năng lượng mặt trời trong vài năm qua đã giúp thúc đẩy đáng kể cơ sở hạ tầng và công nghệ quang điện tại UAE. Quốc gia này đã liên tục đầu tư và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới nhất nhằm đảm bảo nguồn năng lượng sạch thu được từ các tấm pin mặt trời sẽ trở nên ngày càng hiệu quả hơn trong tương lai. Một khi UAE có thể giải quyết triệt để những thách thức về khả năng lưu trữ năng lượng tái sinh, vòng đời và hiệu quả của các tấm pin quang điện sẽ ngày càng được cải thiện hơn.
UAE đã có những cam kết rõ ràng và quyết tâm thực sự để đảm bảo rằng các mục tiêu sản xuất năng lượng sạch là hoàn toàn khả thi và sẽ phát huy hiệu quả cao trong dài hạn. UAE cũng nhấn mạnh sự phát triển bền vững là yếu tố cần thiết cho tiến bộ kinh tế và xã hội, trong đó tập trung vào cải thiện chất lượng không khí, bảo tồn tài nguyên nước, giảm chất thải rắn và thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh. Một khi các nguồn năng lượng sạch góp phần giảm thiểu tác động có hại đối với môi trường tự nhiên, lợi ích của việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng này sẽ vượt ra ngoài sự bảo tồn môi trường bền vững, giúp giảm chi phí xã hội trong dài hạn và đem lại các nguồn lợi lớn cho nền kinh tế.