Phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo vì một thế giới 'xanh'

Hội thảo "Tích hợp nguồn điện năng lượng tái tạo: Thách thức và Công nghệ", do Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) và ABB phối hợp tổ chức ngày 7/9/2018, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý... bởi đề cập tới một vấn đề rất được quan tâm hiện nay:  Phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Theo BTC, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực, Việt Nam đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Song song với quá trình công nghiệp hóa, đang có xu hướng chuyển dịch dân cư sang khu vực thành thị, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội bền vững, Việt Nam đang ưu tiên, khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn năng lượng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2016-2020, định hướng 2030 (Quy hoạch Điện VII), nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 10 - 11% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP hàng năm. 

Quy hoạch Điện VII  cũngđã vạch ra các bước tích cực mà Việt Nam sẽ thực hiện để phát triển các nguồn năng lượng đảm bảo yêu cầu cấp đủ điện cho nhu cầu của đất nước, trong đó đặt mục tiêu nguồn điện tái tạo chiếm 10% quy mô công suất Hệ thống điện quốc gia vào năm 2030 (12GW).

Cũng tại Quy hoạch Điện VII đã chỉ ra sự thiết yếu của việc đầu tư vào lưới truyền tải điện linh hoạt và tự động hóa cao, từ truyền tải tới phân phối điện năng; cũng như việc phát triển các trạm biến áp và trạm biến áp không người trực… Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh Chương trình điện khí hoá nông thôn, miền núi, đảm bảo đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng điện.

Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên của EVN năm 2017, nguồn phát từ nhiên liệu hóa thạch hiện vẫn đang chiếm hơn một nửa nguồn năng lượng của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho rằng, với những cơ chế khuyến khích đã ban hành về đầu tư xây dựng các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đã có nhiều khởi sắc, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm để đầu tư xây dựng các nhà máy điện năng lượng tái tạo, đặc biệt trong lĩnh vực điện mặt trời, điện gió. Tổng quy mô các dự án đề xuất đã vượt cả mục tiêu đặt ra tạo ra những thách thức lớn về vấn đề truyền tải các nguồn điện năng lượng tái tạo vào hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn 2020 ở nhiều khu vực trong cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra các thách thức gặp phải để đạt được mục tiêu phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và các giải pháp công nghệ hỗ trợ hoàn thành mục tiêu đó.

Cũng tại hội thảo, các ứng dụng công nghệ điện thành công trên thế giới đã được giới thiệu như trạm biến áp kỹ thuật số, lưới điện siêu nhỏ, pin lưu trữ và chỉ ra sự cần thiết của số hóa để đảm bảo lưới điện luôn hoạt động linh hoạt và thích nghi với bản chất không liên tục của năng lượng tái tạo. Cùng với đó là các kinh nghiệm triển khai công nghệ trên toàn cầu của ABB bao gồm các giải pháp tự động hóa dành cho lưới điện như SCADA, phần mềm quản lý mạng lưới và quản lý thiết bị.

"Khi Việt Nam chuyển đổi sang việc sử dụng năng lượng sạch, lưới điện sẽ cần phải thích nghi với nguồn điện năng lượng tái tạo vốn là nguồn năng lượng không liên tục với đặc tính phát điện phân tán. Điều này không chỉ đòi hỏi sự hợp tác rộng rãi, chặt chẽ hơn trong ngành và trong các bàn thảo về phát triển chính sách, mà còn cần sự lựa chọn công nghệ phù hợp. Công nghệ sẽ giúp lưới điện hoạt động linh hoạt và thích ứng với mô hình phát điện phân tán và dòng điện đa hướng. Số hóa chính là chìa khóa tạo ra lưới điện tương lai”, một chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Còn theo một diễn giả khác: Khi Việt Nam chuyển đổi sang việc sử dụng năng lượng tái tạo, vốn là nguồn năng lượng không liên tục với đặc tính phát điện phân tán không liền mạch sẽ ảnh hưởng đến lưới điện. Điều này không chỉ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ trong các bản thảo về phát triển triển chính sách, mà còn cần sự lựa chọn công nghệ phù hợp. Công nghệ sẽ giúp lưới điện hoạt động linh hoạt và thích ứng với mô hình phát điện phân tán và dòng điện đa hướng. Số hóa chính là chìa khóa tạo ra lưới điện tương lai.

PV/ Báo Tin tức
Phát hiện thêm lợi ích từ các trang trại gió và năng lượng Mặt Trời
Phát hiện thêm lợi ích từ các trang trại gió và năng lượng Mặt Trời

Lâu nay, việc sử dụng năng lượng Mặt Trời và gió được coi là phương pháp hữu hiệu giúp con người giảm sự lệ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch - vốn gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN