Nam Phi tăng điều khoản phúc lợi xã hội hỗ trợ người nghèo ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Ngày 20/4, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo nước này sẽ tăng điều khoản phúc lợi nhằm hỗ trợ các hộ gia đình nghèo bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
 Người dân mua thực phẩm tại chợ ở Johannesburg, Nam Phi ngày 17/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông điệp hằng tuần gửi người dân, Tổng thống Ramaphosa cho biết lệnh phong tỏa đã bộc lộ tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp đang gây chia rẽ trong xã hội. Ông thừa nhận biện pháp phong tỏa đang khiến hàng triệu người thất nghiệp, việc làm trở nên bấp bênh hoặc lương thấp.

Tổng thống  Ramaphosa cho biết trong tuần này, chính phủ sẽ công bố các biện pháp hỗ trợ để bảo vệ người dân khỏi nạn đói. Theo ông, việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm là một giải pháp khẩn cấp ngắn hạn, đòi hỏi phù hợp với các giải pháp bền vững giúp những công dân dễ bị tổn thương nhất vượt qua thời kỳ khó khăn.

Là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi, song Nam Phi lại là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới, khi các điều kiện sống giữa những người có thu nhập cao nhất và thu nhập thấp hoàn toàn khác biệt. Hiện nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Phi, với 3.158 ca, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Tổng thống Ramaphosa cho biết chính phủ đang chuẩn bị ứng phó với tình huống số bệnh nhân tăng mạnh trong thời gian tới. Dự kiến, nội các Nam Phi sẽ họp trong ngày 20/4 để thảo luận về những biện pháp mới nhằm giảm nhẹ tác động kinh tế và xã hội do dịch COVID-19.

Trong khi đó, từ ngày 20/4,  Ấn Độ đã nới lỏng một số hạn chế về hoạt động kinh tế được áp đặt như một phần của lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, hầu hết các biện pháp mới nhằm giảm bớt sức ép lên ngành nông-lâm-ngư nghiệp vốn sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động của nước này, giúp đảm bảo việc thu hoạch mùa màng trong khi người lao động tiếp tục có thu nhập. Bên cạnh đó, cho phép các nông trường hoạt động trở lại là nhu cầu cấp bách để tránh tình trạng thiếu hụt lương thực.

Nhằm khôi phục chuỗi cung ứng trong các ngành này, các xe tải chở hàng cũng sẽ được phép đi lại giữa các bang để vận chuyển nông sản từ nông thôn đến thành thị. Những dự án công trình công cộng thiết yếu - như xây dựng đường sá và đường nước ở nông thôn - cũng sẽ mở cửa trở lại, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội. Các công trình này là một nguồn quan trọng mang lại việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tự do giản đơn và những người nông dân muốn gia tăng thu nhập.

Tuy nhiên, một số biện pháp nới lỏng khác sẽ không được thực hiện, trong đó có hoạt động giao hàng của các công ty thương mại điện tử đối với những mặt hàng không thiết yếu như điện thoại di động, máy tính và tủ lạnh của. Ngoài ra, nhà chức trách sẽ không dỡ bỏ bất cứ hạn chế nào tại các khu vực vẫn được coi là "điểm  nóng" COVID-19. Một số công sở nhà nước và thậm chí tư nhân đã được phép mở cửa ở những khu vực không phải điểm nóng dịch bệnh, song phải đảm bảo các tiêu chí về giãn cách xã hội.

Cùng ngày, giới chức Sri Lanka đã nới lỏng lệnh giới nghiêm được áp đặt tại một số quận của đất nước, trong khi thủ đô Colombo và ba quận khác, được tuyên bố là khu vực "nguy cơ cao" do đại dịch COVID- 19, tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm.

Theo tuyên bố, Cơ quan Thông tin chính phủ cho biết lệnh giới nghiêm đã được nới lỏng tại 19 quận vào 5h (giờ địa phương) để phục hồi các hoạt động kinh tế, song sẽ tái áp đặt vào lúc 20h. Tuy nhiên, thủ đô Colombo và các khu vực Gampaha, Kalutara, Puttalam vẫn duy trì lệnh giới nghiêm cho tới ngày 27/4 sau khi ghi nhận 40 trường hợp mắc mới trong hai ngày 19 và 20/4.

Trước đó một ngày, Tổng thống Sri Lanka Gototti Rajapaksa đã kêu gọi người dân tuân thủ các hướng dẫn y tế và hành động có trách nhiệm với an toàn xã hội dù lệnh giới nghiêm ở một số khu vực được dỡ bỏ sau bốn tuần. Cảnh sát cũng kêu gọi mọi người duy trì giãn cách xã hội, đồng thời yêu cầu các công ty nhà nước và tư nhân tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế ngay cả sau khi lệnh giới nghiêm được nới lỏng. Tới nay, Sri Lanka đã ghi nhận 295 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca tử vong.

Còn tại Albania, quốc gia vùng Balkan này đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại trong ngày 20/4 nhằm giảm thiểu các thiệt hại kinh tế do tác động của dịch COVID-19, vốn đã “cuốn bay” hàng chục nghìn việc làm tại nước này.

Các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, đánh bắt, khoáng sản, dầu mỏ và dệt may nằm trong diện được phép hoạt động trở lại một khi nhận được giấy chứng nhận từ Bộ Y tế. Các khách sạn đáp ứng tất cả các tiêu chí vệ sinh cần thiết cũng sẽ được phép mở cửa, mặc dù các địa điểm như quán bar, nhà hàng và thẩm mỹ viện vẫn đóng cửa. Theo các quy tắc mới, các doanh nghiệp cũng phải tôn trọng lệnh giới nghiêm hàng đêm từ 17h30 và thực thi nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội đối với các nhân viên.

Theo các số liệu của chính phủ, các biện pháp hạn chế và phong tỏa mà Albania thực hiện dường như đã ngăn chặn một đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn tại nước này, với gần 600 ca nhiễm và 26 ca tử vong. Tuy nhiên, người dân phải vật lộn với chi phí chồng chất, khi có tới khoảng 50.000 người Albania, chiếm khoảng 4% lực lượng lao động, bị mất việc làm. Chính phủ cũng đã tung ra một loạt biện pháp cứu trợ lên tới 540 triệu euro (586 triệu USD) để hỗ trợ nền kinh tế.

Phương Oanh - Huy Lê (TTXVN)
Công viên quốc gia Nam Phi đóng cửa vì COVID-19, sư tử tràn ra đường ngủ trưa
Công viên quốc gia Nam Phi đóng cửa vì COVID-19, sư tử tràn ra đường ngủ trưa

Không thấy con người xuất hiện trên đường, cả đàn sư tử ở Nam Phi đã rủ nhau ngủ trưa ngay trên đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN