Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn phân tích của S&P Global Commodity Insights cho biết các biện pháp của Chính phủ Ấn Độ áp dụng trong năm 2023, bao gồm cấm xuất khẩu gạo trắng phi Basmati, áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và quy định giá xuất khẩu tối thiểu đối với gạo Basmati, sẽ tiếp tục tác động đến thị trường gạo. Có nhiều dấu hiệu cho thấy các biện pháp hạn chế có thể sẽ kéo dài ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024.
Các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh giá gạo trong nước tăng mạnh và chính phủ nước này muốn đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Hầu hết các chuyên gia trong ngành dự đoán Chính phủ Ấn Độ sẽ không nới lỏng các hạn chế trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra từ tháng 4-5/2024.
Bên cạnh đó, sản lượng gạo vụ Thu (Kharif) 2023-24 giảm do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino gây khô hạn, càng làm tình hình nguồn cung thêm phức tạp. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo tổng sản lượng gạo của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 10/2023-9/2024 là 128 triệu tấn, giảm so với 135,5 triệu tấn của năm trước.
Dù đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu, giá gạo trong nước vẫn ở mức cao. Các nhà xay xát và xuất khẩu dự đoán giá cả sẽ duy trì ở mức cao cho đến vụ thu hoạch Thu tiếp theo, do chính quyền một số bang đưa ra mức giá thu mua cao và nhu cầu từ các bang miền Nam Ấn Độ cũng mạnh.
Khu vực Tây Phi, thị trường tiêu thụ gạo lớn của Ấn Độ, dự kiến sẽ phải cắt giảm nhu cầu do giá cao. Năm 2023, lường trước tình trạng hạn chế xuất khẩu, nhiều người mua ở Tây Phi đã nhập khẩu gạo số lượng lớn. Nhu cầu từ Đông Nam Á và một số nước vùng Vịnh dự kiến ổn định.
Một yếu tố tích cực là lượng gạo dự trữ tại Tập đoàn Lương thực Ấn Độ ở mức 56 triệu tấn tính đến ngày 1/12/2023, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi mức tồn kho cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn dự trữ đệm của chính phủ, có hy vọng rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu sẽ dần được nới lỏng. Theo đó, các nhà xuất khẩu lạc quan rằng khi hoạt động thu mua trong nước bắt đầu chậm lại trong mùa này nguồn cung để xuất khẩu sẽ được cải thiện.