Cuộc đối thoại chiến lược này diễn ra trong bối cảnh Washington thúc đẩy các liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực nhằm đối đầu với những thách thức chung.
Bà Sherman cho biết chương trình nghị sự cuộc họp bao gồm các thách thức khu vực "đe dọa phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", đồng thời nhấn mạnh Seoul và Washington bị ràng buộc bởi "lợi ích an ninh chung" và "các giá trị dân chủ và tự do chung".
Bà Sherman bày tỏ mong đợi Washington và Seoul sẽ tiếp tục thảo luận về các thách thức trong khu vực, bao gồm các hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ-Hàn và đe dọa phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bà hy vọng sẽ thảo luận về cách thức hai nền dân chủ Mỹ-Hàn có thể tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt".
Về phần mình, Thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc lưu ý đến vai trò của bà Sherman trong Tiến trình Perry vào năm 1999, nói rằng nỗ lực này chứng tỏ vấn đề Bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết thông qua hoạt động ngoại giao. Tiến trình Perry do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry đưa ra là một đề xuất 3 giai đoạn nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Đề cập đến quan hệ hai nước, ông Choi Jong Kun cho rằng hoạt động liên lạc và trao đổi giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra không ngừng nghỉ kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên cầm quyền. Ông nhấn mạnh điều này chứng minh thực tế liên minh Hàn-Mỹ đang được nâng cấp thành một liên minh vững mạnh, trong đó hai nước giúp đỡ lẫn nhau.
Ngày 21/7, bà Sherman tới Seoul bắt đầu chuyến thăm kéo dài ba ngày. Trước đó, trong chuyến công du Nhật Bản, bà đã có cuộc gặp ba bên với ông Choi Jong Kun và người đồng cấp Nhật Bản, Takeo Mori, tại Tokyo để tăng cường sự hợp tác Mỹ-Hàn-Nhật. Bà Sherman sẽ khởi hành đến Mông Cổ cuối ngày 23/7, trước khi tới Trung Quốc và Oman sau đó.