Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, ông Ross cho rằng vòng đàm phán ở Bắc Kinh được tổ chức ở cấp độ phù hợp và sẽ giúp xác định liệu các bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể được giải quyết thông qua đàm phán hay không.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ cùng ngày đã nối lại cuộc đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài suốt nhiều tháng qua.
Cùng ngày, Giáo sư Kinh tế Lawrence J.Lau thuộc trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng Bắc Kinh và Washington sẽ đạt được thỏa thuận thương mại "cụ thể" trước thời hạn chót để giảm leo thang căng thẳng thương mại vào tháng 3 tới.
Theo ông Lau, ngoài cam kết mua thêm các sản phẩm trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp từ Mỹ, Bắc Kinh cũng có thể đưa ra các cam kết khác để xoa dịu lo ngại của Washington.
Chuyên gia kinh tế này nhận xét phía Mỹ cũng có thể muốn ngừng cuộc chiến thương mại bởi việc áp thuế lên các sản phẩm lắp ráp tại Trung Quốc như iPhone có thể gây tổn hại tới Apple và các nhà tiêu dùng Mỹ hơn là Trung Quốc.
Do đó, cuộc chiến thương mại gây tổn hại lòng tin vào triển vọng kinh tế của Trung Quốc và khiến thị trường tại cả hai nước hoang mang trong 6 tháng cuối năm 2018 có thể không còn là vấn đề cấp bách trong năm 2019.
Tuy nhiên theo ông Lau, sự cạnh tranh về kinh tế và công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ còn tiếp tục. Ngoài ra, giáo sư này nhận định Bắc Kinh đã hoàn toàn kiểm soát được tác động của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc bởi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào hàng hóa xuất khẩu của Mỹ là khá thấp.
Trong khi đó, từ Tokyo, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, nhóm vận động kinh doanh lớn nhất đất nước "Mặt trời mọc", cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần gây tổn hại nền kinh tế toàn cầu.
Phát biểu họp báo năm mới, người đứng đầu Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản Hiroaki Nakanishi cho biết ông "thực sự cảm thấy một số tác động" từ cuộc chiến về thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cũng tại buổi họp báo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông Akio Mimura, thừa nhận cơ quan này không có biện pháp nào để giảm bớt tác động từ bất đồng thương mại Mỹ-Trung, cũng như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đối mặt những rủi ro xấu đối với nền kinh tế trong nước trong năm 2019, chủ yếu do kế hoạch tăng thuế tiêu dùng vào tháng 10 tới làm giảm chi tiêu hộ gia đình.