Dẫn các nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nga, hãng tin tức Izvestia đưa tin Washington và Moskva đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán về nối lại các cuộc thanh sát hạt nhân. Các bên dường như cũng đang cân nhắc tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp để khắc phục các vấn đề còn tồn đọng.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ và Nga đang đàm phán qua các kênh liên quan để tìm cách tái tuân thủ đầy đủ hiệp ước. Hai bên đang tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến trong khuôn khổ hội đồng tham vấn song phương của New START. Nguồn tin Bộ Ngoại giao tiết lộ có khả năng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp vì vẫn còn tồn đọng một số khó khăn đáng kể.
Những khó khăn gồm các vấn đề liên quan đến COVID-19 đòi hỏi một giải pháp cuối cùng. Bên cạnh đó là các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột Ukraine đã ngăn cản các chuyên gia Nga đến Mỹ.
Bộ này cho biết sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, các vấn đề về thị thực đã cản trở quy trình nhập cảnh, cũng như thanh toán trong quá trình thanh tra. Trong bối cảnh các thanh sát viên Nga không thể tiếp cận Mỹ, các quan chức Mỹ không gặp vấn đề tương tự và điều này mang lại lợi thế cho một mình phía Mỹ.
Đầu tháng 8, Moskva thông báo với Washington rằng họ tạm thời rút khỏi chế độ thanh tra, với lý do các biện pháp trừng phạt, bao gồm các hạn chế về thị thực và lệnh cấm máy bay Nga trong không phận Mỹ và EU, ngăn cản các thanh sát viên thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận hai nước đang tìm cách nối lại các cuộc thanh tra nhằm quay trở lại việc thực thi đầy đủ hiệp ước.
Hiệp ước New START được ký vào năm 2010 gần như là thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019.
Thỏa thuận này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân mà Mỹ và Nga có thể sở hữu là 1.550 đầu đạn hạt nhân mỗi loại. Thỏa thuận cũng quy định mỗi bên không có quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân. Tổng số phương tiện vận chuyển hạt nhân chiến lược không được vượt quá 800.