Theo hãng tin Reuters ngày 7/6, Mỹ và EU ngày 7/6 yêu cầu Kosovo nhượng bộ trong cuộc đối đầu căng thẳng với người Serbia ở phía Bắc Kosovo, nếu không sẽ phải đối mặt với “hậu quả” từ các đồng minh phương Tây lâu năm.
Cảnh báo được đưa ra khi các đặc phái viên của Mỹ và EU kết thúc chuyến thăm tới Kosovo và Serbia để xoa dịu căng thẳng bùng phát thành bạo lực vào tuần trước, làm bị thương hàng chục binh sĩ gìn giữ hòa bình NATO và người biểu tình Serbia ở miền Bắc Kosovo.
Đặc phái viên Mỹ tại Tây Balkan Gabriel Escobar tuyên bố nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti nên đáp ứng các yêu cầu cụ thể do ông và đặc phái viên EU đưa ra mới đây, để làm dịu tình hình ở phía Bắc của Kosovo.
Theo ông Escobar, Kosovo phải trao quyền tự trị lớn hơn cho các thành phố có đa số người Serbia nếu muốn tiến gần hơn đến việc gia nhập NATO và EU.
"Các yêu cầu được đưa ra hiện hay không được thực hiện có thể gây ra một số hậu quả sẽ ảnh hưởng đến các phần của mối quan hệ giữa Kosovo và Mỹ, tôi không muốn thấy điều đó", ông Escobar nói với truyền thông Kosovo.
Ông Escobar và đại diện đặc biệt của EU về đối thoại Kosovo-Serbia Miroslav Lajcak đã gặp ông Kurti vào ngày 5/6 và đưa ra tối hậu thư gồm 3 yêu cầu nhằm làm dịu tình hình ở miền Bắc Kosovo, tổ chức các cuộc bầu cử mới và nối lại đối thoại với Serbia.
“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tình hình ở phía Bắc Kosovo và kêu gọi giảm căng thẳng ngay lập tức trên thực địa, bầu cử sớm với sự tham gia của người Serbia ở Kosovo và quay lại đối thoại về bình thường hóa”, ông Lajcak viết trên Twitter sau cuộc họp.
Nói chuyện với các nhà báo, ông Escobar nhấn mạnh rằng sự thiếu hợp tác từ ông Kurti sẽ dẫn đến hậu quả và chỉ ra rằng tiến trình sẽ được đánh giá vào cuối tuần này, theo cổng thông tin Reporteri.
Ông Escobar nói thêm rằng Mỹ, EU và tất cả các đối tác quốc tế đều thống nhất yêu cầu xoa dịu, bình thường hóa tình hình và nếu điều này không xảy ra mà quan hệ xấu đi thì hậu quả đối với Kosovo sẽ là lâu dài.
Rõ ràng là các đối tác phương Tây của Kosovo đang mất kiên nhẫn về tình trạng bế tắc ở phía Bắc Kosovo, và nếu ông Kurti tiếp tục từ chối hợp tác, họ có thể chuyển từ cảnh báo bằng lời nói sang các biện pháp trừng phạt cụ thể.
Một quan chức cấp cao ở Kosovo nói với Reuters rằng các quốc gia phương Tây - vốn là những người ủng hộ mạnh mẽ nền độc lập của Kosovo kể từ khi nước này chính thức đòi tách khỏi Serbia vào năm 2008 - cảnh báo rằng Kosovo có thể phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt. Tuần trước, Mỹ đã hủy bỏ sự tham gia của Kosovo trong cuộc tập trận quân sự "Người bảo vệ châu Âu" do Mỹ đứng đầu.
Truyền thông Kosovo đưa tin rằng cuộc họp kéo dài 2 giờ mà ông Kurti tổ chức vào ngày 5/6 với các đại diện của Mỹ và EU đã kết thúc mà không có kết quả cụ thể. Ông Kurti vẫn không thay đổi cách tiếp cận cứng rắn của mình đối với cuộc khủng hoảng ở phía Bắc.
Các nhà hòa giải quốc tế hiện được cho là sẽ phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn căng thẳng leo thang ở miền Bắc Kosovo, sau các cuộc đụng độ giữa người dân tộc Serbia, KFOR (lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo) và các đơn vị lực lượng đặc biệt của Kosovo vào tuần trước. Các cuộc đụng độ nổ ra khi người Serbia ở Kosovo, vốn tẩy chay cuộc bầu cử địa phương vào tháng 4 năm nay, tập trung trước các tòa nhà của thành phố với mục đích ngăn cản các thị trưởng người Albania, những người được bầu với tỷ lệ cử tri dưới 4%, nhậm chức.
Sau cuộc gặp với ông Escobar và Lajcak, nhà lãnh đạo cấp cao khác của Kosovo là Vjosa Osmani nhấn mạnh khả năng tổ chức các cuộc bầu cử mới ở các thành phố phía Bắc theo hiến pháp. Trong bối cảnh này, bà Vjosa Osmani nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo sự tham gia bầu cử dân chủ cho công dân cư trú tại những đô thị đó.
NATO có khoảng 4.000 quân ở Kosovo và đã tăng thêm 700 quân để đối phó với tình trạng bạo lực bùng phát. Vào ngày 5/6 vừa qua, NATO thông báo rằng 500 lính đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đến Kosovo với tư cách là lực lượng tiếp viện của NATO, sau vụ bạo lực gần đây khiến gần 40 binh sĩ gìn giữ hòa bình KFOR bị thương trong các cuộc đụng độ.