Các quan chức Mỹ và Nga đã tham gia cuộc họp kéo dài tới 7 tiếng đồng hồ tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10/1, tuy nhiên hai phía không hề đạt được giải pháp cho bất đồng liên quan đến Ukraine.
Sau đó, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến đối thoại ở Brussels (Bỉ) vào ngày 12/1 và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ nhóm họp ở Vienna (Áo) ngày 13/1 với nội dung chính dự kiến xoay quanh Ukraine.
Sự hiện diện của binh sĩ Nga gần biên giới Ukraine khiến Kiev và phương Tây lo ngại rằng Moskva có thể tiến hành một cuộc tấn công. Nga đã bác bỏ nghi vấn này. Đổi lại, phía Nga cáo buộc giới chức Ukraine lên kế hoạch quân sự ở phần lãnh thổ phía Đông. Kiev đã phủ nhận cáo buộc này.
Tháng 12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã 2 lần thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về vấn đề Ukraine và cảnh báo Moskva có thể đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng”.
Nhà lãnh đạo Nga Putin từng đề cập rằng khả năng Ukraine gia nhập NATO và khối quân sự này triển khai vũ khí đến Ukraine là “lằn ranh đỏ” cho Moskva. Điện Kremlin yêu cầu Mỹ và các đồng minh cam kết NATO không mở rộng đến Ukraine, Gruzia và những quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác. Moskva đồng thời đề nghị Mỹ và các đồng minh cam kết không triển khai vũ khí hoặc thực hiện hoạt động quân sự tại Ukraine cùng những quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Mỹ và các đồng minh đã khước từ yêu cầu NATO không tiếp nhận Ukraine. Tuy nhiên, Washington và NATO cho biết họ sẵn sàng đàm phán các biện pháp kiểm soát vũ khí, xây dựng lòng tin, minh bạch hơn và giảm thiểu rủi ro nếu Nga có lập trường xây dựng.
Nhưng theo các chuyên gia, điều quan trọng không kém đối với cuộc đàm phán là giải quyết sự mất đoàn kết giữa Washington và đồng minh châu Âu về cách tiếp cận Điện Kremlin.
Cựu chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng về hưu Ben Hodges cho biết điều quan trọng hàng đầu để các cuộc đối thoại thành công là “không chỉ có Mỹ”. Theo ông Ben Hodges, Điện Kremlin cần biết rằng bất kể điều gì Tổng thống Joe Biden hoặc Ngoại trưởng Antony Blinken nói đều là đại diện cho các đồng minh của Mỹ và Nga đang đối mặt với một mặt trận thống nhất.
Ông bổ sung: “Nếu Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Đức sẽ không ra mặt, Anh bị phân tán hoặc Pháp chỉ tập trung vào bầu cử trong nước thì rủi ro sẽ cao”.
Mỹ kỳ vọng thể hiện được đoàn kết với các đồng minh và đối tác châu Âu qua việc tất cả các bên đều đưa ra cảnh báo nghiêm khắc rằng việc xâm chiếm Ukraine sẽ đi kèm hình phạt tài chính nặng nề. Tuy nhiên, lại xuất hiện dấu hiệu chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Một số quốc gia láng giềng Nga muốn biện pháp cứng rắn bao gồm tăng cường hiện diện của quân đội NATO. Những nước khác như Pháp và Đức lại có truyền thống khuyến khích thỏa hiệp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “tái thiết” trong quan hệ với Nga. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel lại miễn cưỡng loại bỏ đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2. Cả Pháp và Đức đều có quan hệ thương mại sâu sắc với Nga do vậy sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva. Giống như hầu hết các quốc gia châu Âu khác, Pháp cùng Đức đều phụ thuộc phần lớn vào Nga về khí đốt.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói rằng “cuộc đối thoại này không chỉ có hai nhân tố, không chỉ có Mỹ và Nga”.
Nhiều người đã hy vọng về một mặt trận thống nhất hơn sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock vào đầu tháng 1 thể hiện giọng điệu cứng rắn hơn so với thời chính phủ của bà Angela Merkel. Trong chuyến thăm tới Washington ngày 5/1, bà Annalena Baerbock cảnh báo Tổng thống Putin sẽ phải trả một "cái giá kinh tế và chính trị cao" nếu đưa quân vào Ukraine.
Sát cánh cùng với bà Annalena Baerbock hôm đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken tuyên bố có “hợp tác và phối hợp mạnh mẽ” với châu Âu.