Yếu tố Ukraine trong chiến lược của Mỹ nhằm duy trì cân bằng ở khu vực Á-Âu

Vấn đề Ukraine đang được Mỹ sử dụng để phục vụ mục đích của mình ở khu vực Á-Âu.

Theo tờ Global Times, Nga sẽ tổ chức ba cuộc đối thoại an ninh liên tiếp với Mỹ, NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu bắt đầu từ ngày 10/1.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo ở Moskva ngày 23/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Vấn đề cốt lõi của các cuộc đàm phán với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là liệu NATO có nên mở rộng về phía đông hay không. Hai bên đang gặp bất đồng về chủ đề này. 

Các nhà lãnh đạo NATO cho biết họ chưa bao giờ hứa sẽ không mở rộng về phía đông. Còn đối với Nga, một động thái tiêu biểu cho việc NATO mở rộng về phía đông là Ukraine có thể gia nhập NATO, đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ được đưa vào hệ thống triển khai quân sự do Mỹ dẫn đầu. Điều đó sẽ cho phép Mỹ đặt vũ khí tấn công, bao gồm cả tên lửa chiến lược, ngay sát cửa ngõ của Nga. Điều này sẽ khiến tình hình an ninh đối với Nga càng thêm nghiêm trọng.

Có hai cách khả thi để Ukraine gia nhập NATO: Một là gia nhập NATO mà không phải là thành viên danh nghĩa. Khả năng cao là thành lập một bán liên minh dựa trên việc mua bán vũ khí và tập trận. Hai là gia nhập NATO hoàn toàn theo đúng thủ tục và khả năng này hiện là rất nhỏ.

Từ góc độ chiến lược, Mỹ buộc phải cân nhắc đặc biệt tới những lo ngại về các vấn đề Ukraine. Mục tiêu địa chính trị của Mỹ là biến Ukraine thành một bài toán hóc búa không bao giờ có lời giải, hoặc thành đấu trường tranh giành giữa các cường quốc. Mỹ sẽ không để mất Ukraine vì như vậy, Washington mất quân bài quan trọng để kiểm tra Nga và thể hiện vai trò trong tình hình khu vực.

Mặt khác, ngăn chặn hành động quân sự của Nga cũng là một ưu tiên của Mỹ và NATO. Mỹ muốn giữ căng thẳng trong khu vực ở mức không làm các mối quan hệ đổ vỡ và leo thang thành chiến tranh. Mỹ không còn đủ khả năng để tham gia một cuộc chiến quy mô lớn, đặc biệt là với Nga. Vì vậy, qua việc cảnh báo các biện pháp trừng phạt kinh tế toàn diện đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine, Mỹ muốn thể hiện quyết tâm rằng sẽ không cho phép Nga lặp lại kịch bản ở Crimea hồi năm 2014.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Nga, giải quyết vấn đề Ukraine không còn chỉ là vấn đề giữa hai nước. Nga muốn có những đảm bảo ràng buộc nhằm ngăn chặn NATO mở rộng về phía đông và triển khai các hệ thống tên lửa tấn công ở láng giềng của Nga.

Dựa trên các quan điểm của mình, Mỹ và Nga thực sự đang ở thế đối đầu. Cả Mỹ và Nga đều đang sử dụng các chiến lược hỗn hợp để đối phó với nhau, nhưng có rất ít khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Delaware, ngày 30/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ sử dụng vấn đề Ukraine để đạt được một số mục tiêu. Trên danh nghĩa là giúp đỡ Ukraine, Mỹ thực sự đang khiến Ukraine hành động vì Mỹ và hình thành một tình huống mà Liên minh châu Âu và Nga cân bằng lẫn nhau, trong khi Mỹ có thể đóng vai trò chủ đạo hoặc dẫn dắt trong cuộc khủng hoảng. Mỹ hy vọng sẽ tạo ra “mối lo lắng tập thể” về Nga giữa các đồng minh NATO và buộc họ phải phụ thuộc sâu hơn về mặt an ninh vào Mỹ, kiềm chế việc châu Âu theo đuổi quyền tự chủ chiến lược. Ngoài ra, vấn đề Ukraine được sử dụng để răn đe Nga và tăng đòn bẩy của Washington trong đối thoại với Moskva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có hai quân bài để đối đầu với Mỹ. Một là can thiệp quân sự vào Ukraine. Đây có thể được coi là phản ứng của Nga đối với chiến lược “miệng hố chiến tranh” của Mỹ. Hai là can thiệp quân sự ở Thái Bình Dương để đối trọng với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Mỹ hiện muốn thu hút sự chú ý của Nga vào mặt trận phía Tây, đồng thời khiến Nga bị phân tâm khỏi phía Đông. Chỉ bằng cách này, Mỹ mới có thể đảm bảo việc thực hiện hiệu quả chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chắc chắn Mỹ hiện không thể can thiệp trực tiếp vào các lực lượng quân sự. Mục đích không đổi của Mỹ là sử dụng cuộc khủng hoảng để duy trì sự thống trị ở trung tâm Á-Âu.

Từ trước tới nay, khi Mỹ thu hẹp về mặt chiến lược, nước này thường có xu hướng tạo ra khủng hoảng trong các lĩnh vực chiến lược mà Mỹ quan tâm, để đồng minh và đối thủ cân bằng lẫn nhau và Mỹ có thể duy trì cân bằng ở mức độ lớn nhất từ xa. Từ quan điểm này, tình hình Ukraine có thể trở thành một vấn đề chiến lược và lâu dài.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Putin vạch ‘lằn ranh đỏ’ ở Kazakhstan và Ukraine
Tổng thống Putin vạch ‘lằn ranh đỏ’ ở Kazakhstan và Ukraine

Ngày 10/1 là “lằn ranh đỏ” với Tổng thống Vladimir Putin khi ông tuyên bố Nga không cho phép “cách mạng sắc màu” nổ ra tại các nước láng giềng, kiên quyết yêu cầu NATO thoái lui khỏi các đường biên giới sát Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN