Mỹ từng phê duyệt hợp tác năng lượng hạt nhân bí mật với Saudi Arabia

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã ký 6 quyết định ủy quyền bí mật cho phép các công ty hỗ trợ và bán công nghệ năng lượng hạt nhân cho Saudi Arabia.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) bắt tay Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng tháng 10/2018. Ảnh: REUTERS

Theo bản sao văn bản mà Reuters nắm được ngày 27/3, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã âm thầm theo đuổi một thỏa thuận rộng hơn trong việc chia sẻ công nghệ năng lượng hạt nhân với Saudi Arabia, nhằm xây dựng ít nhất hai nhà máy năng lượng hạt nhân. Thỏa thuận này đang được một số quốc gia trong đó có Mỹ, Hàn Quốc và Nga cạnh tranh. Dự kiến, nước trúng thầu sẽ được Saudi Arabia công bố cuối năm nay. 

Những phê duyệt của ông Perry, hay còn gọi là các ủy quyền Phần 810, cho phép các công ty tiến hành công tác sơ bộ về năng lượng hạt nhân song không vận chuyển thiết bị cho nhà máy. Đó chính là điều khoản do một nguồn tin thân cận với các thỏa thuận trên cho biết trong điều kiện giấu tên.

Ủy ban An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ thông báo trong văn bản mà Reuters nắm được rằng các công ty đã yêu cầu chính phủ giữ bí mật việc phê chuẩn. 

“Trong trường hợp này, mỗi công ty nhận được một ủy quyền cụ thể (với Saudi Arabia) đã yêu cầu chúng tôi rằng không công khai việc họ được cấp phép”, NNSA viết trong văn bản. Trước đây, bộ này đều công khai các ủy quyền Phần 810. 

Một quan chức của Bộ Năng lượng cho biết các yêu cầu có chứa thông tin độc quyền và việc ủy quyền đã trải qua quá trình phê duyệt của nhiều cơ quan.

Giới lập pháp Mỹ quan ngại việc chia sẻ công nghệ hạt nhân với Saudi Arabia có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông. 

Năm ngoái, Thái tử Mohammed bin Salman trả lời phỏng vấn đài CBS rằng vương quốc này sẽ phát triển vũ khí hạt nhân nếu như Iran làm vậy. Bên cạnh đó, Riyadh thi thoảng vẫn phản đối các tiêu chuẩn của Washington nhằm ngăn chặn hai cách thức để tạo ra nhiên liệu phân hạch của vũ khí hạt nhân: làm giàu uranium và tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng. 

Mối lo ngại trong Quốc hội Mỹ đã nảy sinh từ sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi làm việc tại tờ Washington Post bị sát hại bên trong tòa lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, các ủy quyền Phần 810 được tiến hành sau đó 1 tháng. 

Chú thích ảnh
Ông Jamal Khashoggi. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghị sĩ Dân chủ Brad Sherman ngày 27/3 đã kêu gọi Ngoại trưởng Mike Pompeo công khai tên các công ty vừa được phê chuẩn hồi giữa tháng 4 và ông Pompeo cho biết sẽ xem xét vấn đề này. Quan chức ngoại giao hàng đầu Mỹ cam kết chính phủ sẽ đảm bảo không để những công nghệ hạt nhân được chia sẻ gây ra nguy cơ về phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Tháng trước, một số thành viên Hạ viện Mỹ cũng báo cáo về việc các cố vấn Nhà Trắng phớt lờ cảnh báo họ có thể phạm luật khi phối hợp với các cựu quan chức Mỹ trong nhóm công ty IP3 International để thúc đẩy kế hoạch xây lò phản ứng hạt nhân ở vùng Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia. 

IP3 hiện chưa phản hồi liệu rằng công ty này có nằm trong số các công ty vừa được ủy quyền Phần 810 hay không. 

Liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi, phát biểu trước báo giới tháng 11/2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu rõ: "Không có báo cáo trực tiếp nào liên hệ Thái tử (Mohammed bin Salman) với việc ra lệnh sát hại ông Khashoggi".

Ông Mike Pompeo lưu ý rằng đã nghiên cứu kỹ lưỡng những thông tin tình báo và không thấy có mối liên hệ nào giữa nhà lãnh đạo của Saudi Arabia với vụ việc này. Trước đó, ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho rằng sự xấu đi trong quan hệ Mỹ-Saudi Arabia do vụ nhà báo Khashoggi sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Tuyên bố này trái ngược với đánh giá trước đó của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) rằng Thái tử Mohammed bin Salman đã trực tiếp chỉ đạo vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Thậm chí, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ còn đưa tin CIA có trong tay bản ghi âm của một cuộc điện thoại, trong đó Thái tử Salman đã ra lệnh “sớm bịt miệng" nhà báo Khashoggi. 

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ những nghi ngờ trong cộng đồng tình báo Mỹ, cho rằng đánh giá của CIA là "vô cùng vội vã". 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Bước đi mạo hiểm của Apple khi dấn thân vào truyền hình trực tuyến
Bước đi mạo hiểm của Apple khi dấn thân vào truyền hình trực tuyến

Apple đang rất cần một thứ gì đó để bán ngoài điện thoại iPhone – sản phẩm đang có dấu hiệu chững doanh số ở một số thị trường. Truyền hình trực tuyến Apple TV+ chính là câu trả lời táo bạo nhất nhưng cũng mạo hiểm nhất của tập đoàn công nghệ Mỹ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN