Nhận lệnh gấp rút đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng, NASA gặp khó

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024, tức là sớm hơn tới 4 năm so với mục tiêu trước đó của NASA là 2028. Liệu NASA có đáp ứng được hạn chót này?

Chú thích ảnh
Hình ảnh Mặt trăng nhìn từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ảnh: NASA

Phó Tổng thống Mike Pence đã đưa ra thông tin trên trong cuộc họp lần thứ năm của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NSC) ngày 26/3. Phát biểu tại Trung tâm Bay Vũ trụ Marshall tại Huntsville, bang Alabama, ông Pence nhấn mạnh chính quyền sẽ thực hiện mục tiêu đưa người lên Mặt trăng vào năm 2024 “bằng bất cứ cách nào cần thiết”. Ông kêu gọi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra những chính sách mới và nên thay đổi tư duy, “bắt đầu bằng những mục tiêu táo bạo và giữ đúng kế hoạch”. 

Phát biểu của ông Pence gợi lại những tuyên bố mạnh mẽ giữa thời điểm căng thẳng Chiến tranh Lạnh, từng là động lực thúc đẩy NASA thành công trong việc đưa tàu Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt trăng 50 năm trước đây.

Để thực hiện được cam kết trên, Phó Tổng thống Pence cho biết chính quyền có thể cân nhắc loại một số nhà thầu hiện nay của NASA - những đơn vị đang tham gia phát triển các phương tiện mới để đưa con người tiến sâu vào vũ trụ - và sử dụng các tên lửa thương mại (do công ty tư nhân phát triển) để thay thế.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu tại Hội nghị của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia. Ảnh: NASA

Kể từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rất rõ ràng về mong muốn trở lại Mặt trăng. Tháng 12/2017, ông Trump ký sắc lệnh chính sách vũ trụ đầu tiên, chỉ đạo NASA đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng sau hơn 5 thập kỷ. Tuy nhiên, khi đó NASA vẫn còn khá mơ hồ về khung thời gian của sắc lệnh này. Gần đây, NASA đặt mục tiêu là năm 2028 sẽ đưa những phi hành gia đầu tiên trở lại Mặt trăng. Tuy nhiên, giới chức Nhà Trắng đã bày tỏ không hài lòng với tiến độ đó. “Thưa các quý ông, quý bà, mục tiêu đó chưa ổn”, ông Pence phát biểu hôm 26/3.

Việc kế hoạch bị đẩy sớm lên tới 4 năm đang đẩy NASA vào một tình thế khó khăn và gấp rút thời gian khi nhiều dự án của họ còn đang bị trì hoãn.

Trạm quỹ đạo Mặt trăng và tên lửa đẩy

Theo trang The Verge, chiến lược trở lại Mặt trăng của NASA đang lệ thuộc vào việc xây dựng một trạm quỹ đạo quay xung quanh Mặt trăng, được gọi là Gateway. Trạm này sẽ đóng vai trò như một nhà ga để du hành gia dừng chân trước khi đến và rời khỏi bề mặt Mặt trăng. 

Chú thích ảnh
Đồ họa mô phỏng dự án trạm quỹ đạo Mặt trăng Gateway. Ảnh: NASA

Ngoài ra, NASA cũng đang tập trung phát triển một tên lửa khổng lồ mới, có tên Hệ thống Phóng Vũ trụ (SLS), sẽ được sử dụng để phóng tàu vũ trụ Orion mang theo phi hành gia vào không gian. SLS không chỉ đưa người lên trạm Gateway, mà còn đưa hàng hóa và giúp đưa các mô-đun mới lên Trạm Mặt trăng. Mới gần đây, NASA đã kêu gọi các công ty thương mại tham gia thiết kế phương tiện hạ cánh, có nhiệm vụ đưa phi hành gia từ Gateway đáp xuống Mặt trăng.

Tuy vậy, lâu nay NASA không có kế hoạch xúc tiến xây dựng trạm Gateway cho đến năm 2022, và cũng không có ý định thử nghiệm phương tiện hạ cánh chở người đầu tiên lên Mặt trăng cho đến giữa năm 2020. 

Thêm vào đó, tên lửa SLS lại đang nhiều lần bị trì hoãn và đội chi phí, đe dọa đến tiến độ hiện tại. SLS ban đầu được lên kế hoạch phóng vào đầu năm 2017, đưa tàu Orion vào hành trình dài 3 tuần quanh Mặt trăng. Nhưng chuyến bay ra mắt của tên lửa này sau đó đã được lùi tới tận tháng 6/2020.

Gần đây giới chức NASA đã chính thức thừa nhận thời hạn 2020 nhiều khả năng sẽ phải lùi sang năm 2021 – một động thái chắc chắn sẽ khiến Nhà Trắng giận dữ. 

Việc tiến độ tên lửa SLS bị trì hoãn đã khiến NASA phải cân nhắc các phương án tên lửa thay thế nhằm đảm bảo sự kiện phóng tàu Orion vào năm 2020, trong đó có việc sử dụng các tên lửa thương mại hiện đã hoạt động được như Falcon Heavy của Space X hay Delta IV Heavy của ULA, để thay SLS.

Xem tên lửa Falcon Heavy của Space X phóng thử lần đầu tiên hồi tháng 2/2018 (Nguồn: NBC)

Tuy vậy, đối mặt với yêu cầu phải đáp ứng hạn chót đầy tham vọng là năm 2024, lãnh đạo NASA Jim Bridenstine thông báo với Phó Tổng thống Pence rằng NASA sẽ phải có SLS và sẽ “đẩy nhanh tiến độ”. Ông Bridenstine cho biết, thay vì dùng tên lửa thương mại, hệ thống SLS sẽ sẵn sàng trước ngày phóng theo kế hoạch: “Tôi tự tin chúng tôi có thể thực hiện vụ phóng đầu tiên với SLS vào năm 2020 và sẽ đưa tàu Orion bay quanh Mặt trăng”, quan chức này cam kết.

Lãnh đạo tập đoàn Boeing sau đó giải thích thêm rằng họ đã lên kế hoạch chuyển giao lõi của tên lửa SLS trong năm nay, cho phép đầy nhanh quá trình phát triển theo kế hoạch mới.

Vấn đề ngân sách

Một khó khăn lớn khác với NASA là cam kết mới về thời hạn đưa người trở lại Mặt trăng được đưa ra trong bối cảnh dự thảo ngân sách gần đây của Tổng thống Trump đã đề xuất cắt giảm mạnh quỹ cho NASA, bao gồm ngân sách cho tên lửa SLS và tàu Orion. Giới chức NASA thừa nhận sau khi đề xuất ngân sách được công bố, thì lúc này kể cả khi có thêm ngân sách rót vào cũng không đủ để đẩy nhanh tiến độ.

Chú thích ảnh
Đồ họa Hệ thống Phóng Vũ trụ (SLS). Ảnh: NASA

Một vấn đề nữa là cả khi chính quyền quyết định rót thêm tiền hoặc tiến hành những thay đổi lớn đối với các kế hoạch của cơ quan này, thì ban điều hành NASA cũng không thể tự đưa ra các quyết định. Do đây là một sứ mạng liên quan đến tất cả các cơ quan chính phủ, bất cứ quyết định lớn nào về chi tiêu cũng phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Vì thế bằng việc thông qua ngân sách hàng năm, các nhà lập pháp cũng có thể thiết lập cả chương trình của NASA. Đó là một trong những lý do tại sao tên lửa SLS vẫn là một phần quan trọng trong các kế hoạch của cơ quan này, chứ không phải là tên lửa tư nhân.

Tên lửa đẩy SLS chủ yếu được chế tạo tại bang Alabama và được nhiều sự ủng hộ từ các nghị sĩ đại diện bang tại Quốc hội. Họ cố gắng tìm cách duy trì dự án chế tạo SLS bằng cách bổ sung ngân sách, do dự án cung cấp việc làm cho bang.

Vì thế nếu NASA muốn đẩy nhanh lịch trình ra mắt trạm Mặt trăng Gateway hoặc đẩy sớm hạn chót hoàn tất phương tiện hạ cánh, họ cũng phải được Quốc hội thông qua. Những năm gần đây Quốc hội Mỹ có tiền lệ cấp thêm ngân sách cho NASA so với đề nghị ngân sách của tổng thống, vì thế khả năng cơ quan này được rót thêm tiền là có thể. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra thì những cam kết đầy tham vọng của Chính phủ vẫn chỉ là lời nói.

Chú thích ảnh
Trong ảnh chụp ngày 30/7/1971, phi hành gia James Irwin giơ tay chào lá quốc kỳ Mỹ đầu tiên được cắm trên Mặt trăng trong chuyến bay lịch sử của tàu Apollo 11 vào 20/7/1969. Ảnh: AP

Trong bài diễn văn hôm 26/3, Phó Tổng thống Pence đã gợi lại ký ức về Tổng thống John F. Kennedy, người đã đưa ra tuyên bố táo bạo đưa người lên Mặt trăng mà không có bất cứ sự bảo đảm nào từ các nhà lập pháp. “Có người sẽ nói rằng quá khó khăn, quá mao hiểm, quá tốn kém. Nhưng người ta cũng từng nói những điều tương tự năm 1962”, ông Pence nói.

Nhưng tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ thập niên 1960, và liệu Quốc hội Mỹ có quyết định nghe theo lời kêu gọi hành động của Nhà Trắng hay không, đó vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mỹ đặt mục tiêu đưa người trở lại Mặt Trăng trong 5 năm tới
Mỹ đặt mục tiêu đưa người trở lại Mặt Trăng trong 5 năm tới

Trong 5 năm tới, tức năm 2024, cơ quan chức năng Mỹ sẽ phải vận dụng mọi phương tiện cần thiết để thực hiện mục tiêu đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN