Mỹ - Trung và cuộc Chiến tranh Lạnh đang 'nóng' lên ở châu Phi

Với sự hiện diện quân sự nước ngoài ngày càng tăng và căng thẳng ngoại giao ngày càng gay gắt, Lục địa Đen đang chứng kiến ​​những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Chú thích ảnh
Lính Hải quân Mỹ bảo vệ tàu USS Vicksburg trong lễ khai trương một nhà máy dầu mỏ do DP World (Dubai) quản lý ở Djibouti năm 2006. Ảnh: Reuters

Tuần trước, Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Mỹ-Phi lần thứ 12, một sự kiện cấp cao có sự tham gia của 11 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ châu Phi và khoảng 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp, đã được tổ chức tại Maputo, Mozambique. Trong sự kiện kéo dài 3 ngày, các quan chức Mỹ tiết lộ một quỹ đầu tư 60 tỷ USD sẽ tìm cách đầu tư vào các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt tập trung vào châu Phi.

Thông báo trên được đưa ra 6 tháng sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton trình bày "Chiến lược châu Phi mới" của chính quyền Tổng thống Trump. Theo tài liệu này, "các đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn, cụ thể là Trung Quốc và Nga, đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng tài chính và chính trị trên khắp châu Phi. Họ đang cố tình và tích cực nhắm mục tiêu đầu tư vào khu vực để đạt được lợi thế cạnh tranh so với Mỹ."

Trên thực tế, có vẻ như châu Phi đã trở thành một chiến trường khác cho cuộc chiến thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.

Với sự hiện diện quân sự nước ngoài ngày càng tăng và căng thẳng ngoại giao ngày càng gay gắt, lục địa Đen đang chứng kiến ​​những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang nổi lên. 

Chiến tranh kinh tế

Theo tờ Al Jazeera, cách tiếp cận của Trung Quốc đến châu Phi luôn được định hướng thương mại. Châu lục này đã trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của đầu tư Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đưa ra chính sách được gọi là "Tiến ra ngoài" vào năm 1999 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước tìm kiếm cơ hội kinh tế ở nước ngoài.

Nhờ đó, thương mại của Trung Quốc với châu Phi đã tăng gấp 40 lần trong hai thập kỷ qua; năm 2017 đạt mức 140 tỷ USD. Từ năm 2003 đến 2017, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào châu Phi cũng tăng vọt gần 60 lần lên 4 tỷ USD/ năm.

Chú thích ảnh
Chuyên gia Trung Quốc đào tạo tiếp viên người Ethiopia tại một nhà ga đường sắt ở thủ đô Addis Ababa năm 2016 trước lễ khai trương tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc đã mở rộng đáng kể đường sắt châu Phi, đầu tư vào các dự án khác nhau ở Kenya, Ethiopia, Djibouti, Angola và Nigeria; hiện họ đang thi công một nhà máy thủy điện khổng lồ ở Angola và đã xây tuyến đường sắt dài nhất châu Phi nối liền Ethiopia và Djibouti; Trung Quốc cũng xây dựng trụ sở Liên minh châu Phi tại Addis Ababa và trụ sở Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ở Abuja.

Chú thích ảnh
Trụ sở Liên minh châu Phi do nhà thầu Trung Quốc xây dựng.  Ảnh: Xinhua

Ngược lại, trong một thời gian dài, Mỹ luôn coi châu Phi là một chiến trường nơi họ có thể đối đầu với các kẻ thù của mình, cho dù là Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, quân khủng bố sau vụ 11/9 hay hiện giờ là Trung Quốc. Washington chưa bao giờ thực sự nỗ lực phối hợp để phát triển quan hệ kinh tế với lục địa này.

Do đó, thương mại giữa Mỹ và châu Phi đã giảm từ 120 tỷ USD năm 2012 xuống chỉ còn hơn 50 tỷ USD hiện nay. Dòng vốn FDI của Mỹ cũng đã giảm từ 9,4 tỷ USD năm 2009 xuống chỉ còn khoảng 330 triệu USD trong năm 2017. Quỹ đầu tư 60 tỷ USD mới được công bố tuần trước là một sáng kiến ​​đáng hoan nghênh từ Mỹ nhưng nó sẽ không thể thách thức sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc trên Lục địa Đen. Mới năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết 60 tỷ USD nhưng chỉ dành riêng cho đầu tư vào châu Phi.

Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc sử dụng "bẫy nợ" đối với các quốc gia châu Phi theo mong muốn và yêu cầu của họ" và đã cảnh báo các nước châu Phi tránh "ngoại giao nợ" của Trung Quốc, vốn được cho ảnh hưởng tới sự độc lập của quốc gia này cũng như đặt ra "một mối đe dọa đáng kể tới lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.

Tuy nhiên, châu Phi chỉ là nước nhận vốn đầu tư lớn thứ tư của Trung Quốc sau châu Âu (chủ yếu là Đức, Anh và Hà Lan),  hâu Mỹ (chủ yếu là Mỹ và Canada) và châu Á. Chính Mỹ cũng vay rất nhiều từ Trung Quốc và hiện nợ đối thủ của mình tới 1,12 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, châu Phi nợ Trung Quốc khoảng 83 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Trung Quốc tại Djibouti. Ảnh: Reuters

Người dân châu Phi nhận thức đầy đủ và lo ngại về tình trạng nợ nần cao, mất cân bằng thương mại, chất lượng hàng hóa và dịch vụ tương đối kém và việc Bắc Kinh áp dụng các tiêu chuẩn thấp hơn về lao động và môi trường. Nhưng nhiều người không chia sẻ quan điểm của Mỹ rằng mối quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc là gây bất lợi mà thay vào đó, họ coi đây là cơ hội cung cấp tài trợ vô điều kiện rất cần thiết.

Áp lực mà Mỹ hiện đang gây ra cho các nước châu Phi để tránh xa quan hệ đối tác với Trung Quốc có thể làm tổn thương các nền kinh tế châu Phi. 

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng đã ảnh hưởng đến "Lục địa Đen". Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, nó có thể dẫn đến sụt giảm 2,5% GDP ở các nền kinh tế châu Phi sử dụng nhiều tài nguyên và giảm 1,9% đối với các nước xuất khẩu dầu.

Quân sự hóa

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể sẽ đe dọa đến an ninh của lục địa này. Cả hai nước đều có hoạt động quân sự ở châu Phi.

Trong 15 năm qua, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tham gia vào một số nhiệm vụ an ninh trên khắp lục địa này, đóng góp binh sĩ dù còn khiêm tốn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Sudan, Nam Sudan, Liberia, Mali và Cộng hòa Dân chủ Congo. Họ cũng đã đóng góp hàng triệu USD thiết bị gìn giữ hòa bình cho Phái đoàn Liên minh châu Phi ở Somalia và cung cấp tài trợ đáng kể ở Nam Sudan.

Năm 2017, căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc đã được khai trương tại Djibouti. Cơ sở này có sức chứa 10.000 người, được cho là hỗ trợ cho các hoạt động chống cướp biển và đảm bảo an ninh hàng hải. Nhưng cũng có suy đoán rằng đây là cơ sở đầu tiên trong số các căn cứ được lên kế hoạch nhằm bảo đảm lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi.

Chú thích ảnh
Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti có sức chứa tới 10.000 người. Ảnh: Xinhua

Mặc dù vậy sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở châu Phi vẫn chưa mạnh bằng Mỹ. Trong vài năm qua, Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ đã điều hành 36 hoạt động quân sự khác nhau ở 13 quốc gia châu Phi. Mỹ cũng duy trì hơn 7.000 quân tại lục địa này. Mỹ cũng có một căn cứ lớn ở Djibouti - căn cứ quân sự lớn nhất và duy nhất của nước này ở châu Phi - trong khi điều hành ít nhất 34 tiền đồn quân sự khác nằm rải rác ở phía tây, đông và bắc của lục địa.

Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa các lực lượng Mỹ và Trung Quốc ở châu Phi là không thể, nhưng sự hiện diện ngày càng tăng của hai nước đang trở thành một yếu tố gây bất ổn tiềm tàng. Chiến lược của Washington nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với châu Phi đang diễn ra tại các điểm nóng xung đột và biến động xã hội khác nhau trên khắp lục địa. Ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đặc biệt rõ ràng ở khu vực Biển Đỏ chiến lược, nơi sở hữu một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.

Video Trung Quốc khai trương căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti thuộc vùng Sừng Châu Phi (Nguồn: Africa News)

Căng thẳng khu vực gia tăng 

Djibouti gần đây đã tự thấy mình trở thành trung tâm của cuộc đối đầu ngoại giao Mỹ-Trung. Là chủ nhà của các căn cứ quân sự của cả hai siêu cường, quốc gia nhỏ bé này đã phải chơi một trò chơi cân bằng đầy khó khăn.

Năm 2018, Djibouti đã giành quyền kiểm soát cảng Doraleh từ công ty DP World của Dubai. Tuy nhiên, quyết định chấm dứt hợp đồng với DP World song đã gây ra phản ứng gay gắt từ Washington, một đồng minh thân cận của Tiểu vương quốc Dubai. Chính quyền Tổng thống Trump lo ngại Djibouti có thể trao quyền kiểm soát nhà ga cho Trung Quốc.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Bolton cảnh báo: "Nếu điều này xảy ra, sự cân bằng quyền lực ở vùng Sừng châu Phi - thiên đường thương mại hàng hải giữa châu Âu, Trung Đông và Nam Á - sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc".

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tại căn cứ quân sự lớn nhất châu Phi của Mỹ ở Djibouti. Ảnh: Reuters

Djibouti đã buộc phải tuyên bố công khai rằng họ sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp quản nhà ga nhưng điều đó không làm giảm bớt nỗi lo sợ của Mỹ. Sau đó, Washington đã tìm cách bảo đảm một vị trí thay thế khả dĩ cho căn cứ quân sự châu Phi của mình: nước láng giềng Eritrea.

Sudan, ở phía bắc, cũng là chiến trường của cuộc chiến siêu cường đang diễn ra. Trung Quốc là người ủng hộ lâu dài cho nhà lãnh đạo Omar al-Bashir. Bắc Kinh đã thống trị ngành công nghiệp dầu mỏ Sudan, mua khoảng 80% dầu mỏ và do đó cung cấp cho Khartoum những khoản tiền mặt rất cần thiết để tiến hành cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân.

Sau khi Nam Sudan giành được độc lập vào năm 2011, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thân thiết của Sudan, tiếp tục là đối tác thương mại chính. Sudan trên thực tế đã trở thành người hưởng lợi lớn nhất từ ​​gói đầu tư 60 tỷ USD mà Trung Quốc đã cam kết vào năm 2018, với khoản nợ 10 tỷ USD được Trung Quốc xóa trắng.

Chú thích ảnh
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir (trái) trong chuyến thăm Bắc Kinh, Trung Quốc năm 2015. Ảnh: Xinhua 

Ngoài Djibouti và Sudan, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng cảm thấy hậu quả của việc Mỹ phải kiềm chế Trung Quốc. Cuộc đối đầu chính trị này cũng đã đổ thêm dầu vào căng thẳng gia tăng giữa những người chơi khác trong khu vực, bao gồm Ai Cập, các nước vùng Vịnh, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, về lâu dài, giữa bối cảnh xung đột đã tồn tại từ trước trong khu vực, Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung có thể gây ra tác động bất lợi, không chỉ đối với nền kinh tế mà còn đối với an ninh của châu Phi.

Theo tờ Al Jazeera, ở thời điểm này, để bảo vệ lợi ích và hòa bình của mình, châu Phi chỉ có một lựa chọn: từ chối áp lực phải "tuyên thệ” trung thành với một trong hai cường quốc. Các nước châu Phi nên giữ vững chủ quyền trong chính sách và theo đuổi lợi ích tốt nhất của quốc gia.

Nếu Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc trên "lục địa Đen", thì nên làm như vậy với thiện chí. Họ có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách cung cấp cho các nước châu Phi những lựa chọn thay thế tốt hơn, đáng tin cậy hơn và nguyên tắc hơn so với những gì được đề nghị bởi Trung Quốc. Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Mỹ phát triển một chiến lược tập trung vào chính châu Phi, chứ không chỉ là ngăn chặn hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Trung Quốc sẽ cởi mở, minh bạch hơn đối với đầu tư nước ngoài
Trung Quốc sẽ cởi mở, minh bạch hơn đối với đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 2/7 tuyên bố nước này sẽ trở nên cởi mở hơn, minh bạch hơn đối với đầu tư nước ngoài và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN