Trung Quốc bất ngờ 'ra đòn' với các doanh nghiệp xe hơi Hàn Quốc

Đêm 29/6, chính quyền Bắc Kinh âm thầm chỉ đạo tháo gỡ mọi biển quảng cáo của 3 tập đoàn lớn Hàn Quốc như Samsung Electronics, Hyundai Motor và Kia Motor dọc tuyến đường quan trọng Trường An (Quảng Tây, Trung Quốc).

Chú thích ảnh
Công nhân Trung Quốc tháo dỡ biển quảng cáo của Kia Motors tại đường Trường An. Ảnh: Chosun Ilbo

Theo báo Hàn Chosun Ilbo, các biển quảng cáo này đều thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp Hàn Quốc, song chính quyền Bắc Kinh đã gỡ bỏ mà không có một thông báo trước hoặc đề nghị bồi thường.

10h tối 29/6, khoảng 300 đến 400 công nhân được huy động để dỡ bỏ tất cả 120 biển quảng cáo của các công ty Hàn Quốc tại các trạm xe buýt công cộng ở dọc hai bên đường Trường An. Công tác tháo dỡ kéo dài suốt đêm và kết thúc vào sáng hôm sau, với sự tham gia của nhiều thiết bị và phương tiện cẩu lớn.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 29/6 tổ chức ở Osaka (Nhật Bản), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một cam kết về “môi trường kinh doanh công bằng và không phân biệt đối xử”, cũng như yêu cầu Washington “đàm phán dựa trên công bằng và tôn trọng lẫn nhau”.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng trên thực tế nhà chức trách Trung Quốc thường xuyên gây khó dễ với những hợp đồng của các công ty nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước.

Tháng 7/2018, chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng ra tay tháo dỡ khoảng 70 biển quảng cáo của 3 công ty Hàn Quốc lắp tại khu vực trung tâm thủ đô. IMS – một trong ba công ty Hàn Quốc là nạn nhân của vụ tháo dỡ trên – cho biết đã ký hợp đồng với chính quyền thành phố treo biển quảng cáo đến 2025.

Kể từ đó, IMS nhiều lần đòi bồi thường song không thu về kết quả. Nếu mục đích của việc tháo dỡ này để cải thiện quang cảnh đường phố thì chính quyền địa phương vẫn phải đưa ra lời giải thích, hoặc báo trước.

Biển quảng cáo của Samsung, Hyundai và Kia được lắp đặt kể từ năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Trung - Hàn. Vào năm 2015, IMS còn nâng cấp các biển quảng cáo với chi phí lên tới hàng tỷ won theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Việc dỡ bỏ các biển quảng cáo ước tính làm IMS thiệt hại nhiều tỷ won.

Nguồn tin nhân viên từ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh cho biết cơ quan này nhiều lần yêu cầu Bộ Thương mại Trung Quốc và chính quyền thành phố bồi thường nhưng đều bị từ chối.

Theo một diễn biến liên quan, các công ty lớn Hàn Quốc trong đó có Huyndai, Kia và LG gần đây cũng đã đóng cửa một vài cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, sau khi tập đoàn công nghệ Samsung đi tiên phong với xu hướng này vào tháng 12/2018.

Báo Nhật Bản Nikkei đưa tin nguyên nhân dẫn đến tình trạng công ty Hàn Quốc “lũ lượt” rời bỏ quốc gia đông dân nhất thế giới là vì thị trường cạnh tranh mạnh từ các đối thủ Trung Quốc và lo sợ ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra.

“Như thể họ tìm cách níu kéo để tránh gây ấn tượng xấu đối với Chính phủ Trung Quốc, song giờ họ không thể chịu đựng được thêm nữa”, nguồn tin giấu tên làm việc cho một trung tâm phân tích tài chính lớn của Nhật Bản chuyên làm việc với các công ty Hàn Quốc lý giải.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc để tránh đòn áp thuế của Mỹ
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc để tránh đòn áp thuế của Mỹ

Ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác do lo sợ sự cạnh tranh về giá vì ảnh hưởng của thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN