Ngày 19/11, Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Paparo, cho biết Mỹ chưa nhận thấy khả năng tái nhập khí quyển của Triều Tiên, một công nghệ then chốt để nâng cao chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của quốc gia này.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Washington (Mỹ) do Viện Brookings tổ chức, Đô đốc Paparo cho biết Triều Tiên đang tăng cường nỗ lực phát triển các phương tiện vận chuyển đầu đạn tầm xa đáng tin cậy, thể hiện qua vụ thử nghiệm tên lửa Hwasong-19 ICBM mới vào tháng trước. Ông Paparo nhấn mạnh Mỹ “chưa thấy Triều Tiên sở hữu khả năng đó, nhưng họ đang tiếp tục thử nghiệm để hướng tới mục tiêu đó".
Công nghệ tái nhập khí quyển là yếu tố cần thiết để đảm bảo đầu đạn của tên lửa có thể chịu được nhiệt độ cực cao khi tái nhập bầu khí quyển Trái đất. Dù đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm ICBM, hiện vẫn chưa rõ liệu Bình Nhưỡng có thực sự hoàn thiện được công nghệ này hay không.
Đô đốc Paparo mô tả quan hệ đối tác Nga-Triều Tiên mang tính giao dịch và cộng sinh, đồng thời nhận định Bình Nhưỡng có thể nhận được công nghệ tàu ngầm và công nghệ động lực học.
Tư lệnh Paparo cũng lưu ý rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang định hình lại đất nước theo một hình ảnh mới.
Triều Tiên ngày 31/10 vừa qua đã thực hiện một vụ thử nghiệm tên lửa đạn ICBM Hwasong-19, làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng quốc tế về khả năng gia tăng sức mạnh quân sự của quốc gia này. Đây là bước tiến mới trong chương trình phát triển tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng, vốn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hwasong-19 là một phiên bản ICBM mới của Triều Tiên, được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân và có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ hoặc các khu vực xa hơn. Theo các nhà phân tích, vụ thử nghiệm này cho thấy Triều Tiên tiếp tục cải thiện khả năng phóng tên lửa tầm xa, bao gồm tầm bắn và độ chính xác.
Tuy nhiên, khả năng tái nhập khí quyển, một công nghệ then chốt để bảo vệ đầu đạn hạt nhân khỏi nhiệt độ cực cao khi quay trở lại bầu khí quyển Trái đất, vẫn chưa được chứng minh đầy đủ. Điều này khiến các chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả thực tế của các đầu đạn hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố đã phát triển.
Vụ phóng Hwasong-19 được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực Đông Bắc Á, khi Mỹ và Hàn Quốc liên tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung. Triều Tiên coi những hoạt động này là mối đe dọa trực tiếp và tuyên bố sẽ đáp trả bằng cách củng cố năng lực phòng vệ, bao gồm các vụ thử nghiệm tên lửa.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng dường như muốn gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng họ đang đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển các loại vũ khí chiến lược. Điều này nhằm củng cố vị thế đàm phán trong bất kỳ cuộc đối thoại nào trong tương lai.