Kế hoạch bao gồm việc hỗ trợ tài chính cho phương tiện truyền thông địa phương cũng như tăng số lượng các doanh nghiệp Mỹ vào thị trường châu Âu.
Theo hãng tin RT của Nga, bản kế hoạch, có tên gọi “Khung phát triển chống lại sự ảnh hưởng của Điện Kremlin” (CMKI), được công bố hôm 5/7, đề ra 4 mục tiêu: giúp các quốc gia châu Âu bảo vệ hệ thống chính trị trong nước để không bị thế lực bên ngoài can thiệp, đối phó với chiến dịch gây nhiễu thông tin, giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào thương mại và năng lượng từ Nga.
Để đưa các quốc gia châu Âu ra ngoài tầm ảnh hưởng của Nga, Mỹ sẽ đầu tư hàng triệu USD cho truyền thông địa phương để đảm bảo họ thực sự “độc lập”.
“Với sự tài trợ từ USAID, 11 đối tác truyền thông chiến lược tại Bosnia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia sẽ thu hút được lược độc giả ngày càng tăng, đa dạng hóa doanh thu và nâng cao sự hiện diện phương tiện truyền thông kỹ thuật số”, bản kế hoạch nêu rõ.
Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, USAID cũng cung cấp các công cụ để đối phó với “tin tức giả mạo". Tuy nhiên, các công cụ của USAID trước đây từng bị nghi ngờ về mức độ tin cậy.
Trên phương diện kinh tế, để thúc đẩy sự độc lập kinh tế của các nước châu Âu, USAID lên kế hoạch “xóa bỏ các hạn chế sản xuất đối với các doanh nghiệp tư nhân và hoạt động thị trường tự do, tăng cường tích hợp với các nền kinh tế phương Tây”.
Phản ứng trước chiến lược mới của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/7 cho rằng Washington đang tìm cách khai thác và vơ vét lợi nhuận từ thị trường châu Âu thông qua việc dựng lên “một kế hoạch tuyên truyền chống Nga thâm hiểm”
Bộ Ngoại giao Nga đặt nghi vấn về động cơ của những người gieo rắc ý nghĩ “Nga tìm cách phá hoại nền dân chủ ở khắp mọi nơi” cho các quốc gia còn lại trên thế giới.
“Nói thẳng ra, kế hoạch này nhằm mục đích hình thành một trào lưu chống Nga trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia láng giềng của chúng tôi, cũng như mong muốn họ ngày càng phụ thuộc vào Mỹ, quay lưng với Nga, trong đó có việc buộc châu Âu phải mua khí hóa lỏng đắt đỏ của Mỹ”, Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Nga cũng lưu ý kế hoạch hành động này không tương thích với những phát ngôn gần đây liên quan đến tương lai quan hệ song phương Nga-Mỹ do lãnh đạo hai nước đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka cuối tháng 6 vừa qua.
“Giới chức Washington đang tìm cách ngăn chặn sự bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ. Chúng tôi thường xuyên khẳng định Nga sẵn sàng trong việc hợp tác mang tính xây dựng với Mỹ dựa trên cơ sở bình đẳng và tính tới lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, kế hoạch tuyên truyền chống Nga của Washington nằm trong tham vọng thống trị thế giới đang vô hiệu hóa những nỗ lực này”, Bộ Ngoại giao Nga kết luận.