Mỹ thiệt hại hàng chục tỷ USD do công sở đóng cửa

Trong 16 ngày đóng cửa công sở liên bang vừa qua đã có tổng cộng khoảng 2 triệu người phải nghỉ việc. Tổ chức đánh giá tín dụng Standard & Poor's ngày 16/10 cho biết việc một bộ phận công sở chính phủ liên bang bị đóng cửa 16 ngày qua đã khiến nền kinh tế Mỹ bị thiệt hại khoảng 24 tỷ USD và sẽ làm giảm tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý cuối cùng của năm 2013. Công ty Macroeconomic Advisers thì ước tính mức thiệt hại trong 16 ngày đóng cửa công sở là 12 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu sau khi các công sở liên bang chính thức được mở cửa lại, tại Washington, DC. ngày 17/10. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trước đó với văn bản dự luật chi tiêu ngân sách tạm thời đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua và Tổng thống Barack Obama đã ký đưa vào thực hiện, ngày 17/10, hàng trăm nghìn nhân viên làm việc trong các công sở liên bang bị đóng cửa trong 16 ngày qua đã quay trở lại làm việc.

Phát biểu với báo giới đêm 16/10 sau khi ký đưa vào thực thi đạo luật chi tiêu ngân sách, Tổng thống Obama thừa nhận người dân Mỹ đã "chán ngấy" với chính trường ở Washington và nền kinh tế Mỹ cũng đã phải hứng chịu những thiệt hại lẽ ra không đáng có. Ông cũng cho rằng cuộc chiến ngân sách này đã làm các quốc gia đồng minh giảm sự tin cậy vào nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ một lần nữa tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các nhà lập pháp nhằm tránh đẩy nước Mỹ lại rơi vào tình cảnh như 16 ngày vừa qua. Hai vấn đề lớn ông Obama kêu gọi sự hợp tác của các nghị sỹ Quốc hội trong thời gian từ nay đến hết năm 2013 là cải cách hệ thống nhập cư và thông qua dự luật trang trại 500 tỷ USD.

Đây là hai vấn đề được dự báo sẽ lại diễn ra các cuộc tranh cãi căng thẳng giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ nắm quyền đa số tại Thượng viện với phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các nghị sĩ đảng Cộng hòa có một lần nữa sử dụng việc đóng cửa chính phủ để ép Tổng thống nhượng bộ hay không. Thủ lĩnh Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cam kết các nghị sĩ Cộng hòa không có kế hoạch tái diễn hành động đó và việc đóng cửa chính phủ sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

Trong động thái thể hiện ý định cùng phối hợp để giải quyết bất đồng, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Patt Murray và Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan cam kết sẽ tìm kiếm lập trường chung trong các vấn đề liên quan đến ngân sách. Tuy nhiên, bất chấp các tuyên bố trên, thực tế cho thấy đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn khó đạt được đồng thuận, đặc biệt là đối với một trong những bất đồng mấu chốt nhất, giảm chi tiêu và bội chi ngân sách.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người có khả năng trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2016, còn chỉ trích bài phát biểu của Tổng thống đã có những lời nói mang tính chia rẽ chính trường Mỹ.

Trong khi đó, mặc dù thỏa thuận ngân sách đã cứu nước Mỹ thoát hiểm vào phút chót, giúp các nền kinh tế là chủ nợ lớn của Mỹ có thể "tạm thở phào", song vẫn còn nhiều ý kiến từ phía cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về nguy cơ "thảm kịch" tái diễn và thậm chí còn tồi tệ hơn.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng lòng tin vào nước Mỹ đã bị xói mòn và còn quá sớm để có thể yên tâm vì cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Cựu Đại sứ Đức tại Mỹ Klaus Scharioth cảnh báo sự tê liệt của Chính phủ Mỹ sẽ là mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đối với Đức, một đồng minh thân cận của Mỹ, và là một tin xấu đối với phần còn lại của thế giới.

Phát biểu tại Brazil, quốc gia là một trong những chủ nợ lớn của Mỹ, Ngoại trưởng Guido Mantega cho rằng thỏa thuận ngân sách chỉ là tạm thời. Theo ông, chừng nào nguy cơ Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động vẫn còn tồn tại, chừng đó thế giới vẫn còn cảm giác bất an, thiếu tin tưởng vào nền kinh tế đầu tàu thế giới và điều này sẽ tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế toàn cầu.

Tại Israel, đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông, các nhà bình luận cho rằng bất chấp sự xuất hiện của thỏa thuận ngân sách vào phút chót, cuộc đấu đá quyền lực đã làm xấu đi hình ảnh của nền kinh tế Mỹ và điều này đã tác động tiêu cực đến các thị trường tài chính, không chỉ ở Mỹ mà là toàn thế giới.

Trong bối cảnh trên, các nguồn thạo tin cho biết cuộc khủng hoảng chi tiêu chính phủ tại Mỹ ảnh hưởng đến lòng tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Canada. Một báo cáo của Ngân hàng Montreal (BMO) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng quý IV của Canada từ 2,3% xuống còn 2,1%. Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty tuyên bố cuộc khủng hoảng chi tiêu không phải chỉ là một vấn đề của Mỹ, mà là một vấn đề đối với nền kinh tế toàn cầu.


TTXVN/Tin tức


Mỹ thoát vỡ nợ, chứng khoán châu Á vọt cao nhất 5 tháng
Mỹ thoát vỡ nợ, chứng khoán châu Á vọt cao nhất 5 tháng

Các chỉ số chứng khoán trên nhiều thị trường, từ Ôxtrâylia tới Nhật Bản, đồng loạt "vọt" lên các mức cao trong nhiều tuần sau khi Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận vào giờ chót cho phép nâng trần nợ và tránh cho nước Mỹ rơi vào tình cảnh vỡ nợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN