Mỹ sẽ làm gì khi Trung Quốc gây bất ổn châu Á-Thái Bình Dương?

Quan hệ Mỹ-Trung đang ngày một xuống dốc sau loạt căng thẳng liên quan tranh cãi thương mại, tập đoàn công nghệ Huawei và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây.

Chú thích ảnh
Tàu đổ bộ tấn công Mỹ trong cuộc tập trận chung với Philippines dọc bờ biển thành phố San Antonio. Ảnh: AFP

Theo đài Sputnik, trong buổi họp báo tại Sydney, Australia ngày 4/8, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là “gây bất ổn” và “hung hăng”. Ông nhấn mạnh thêm Mỹ sẽ không “ngồi yên” nếu một quốc gia tìm cách “tái định hình khu vực theo hướng có lợi cho họ”.

“Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng không một quốc gia nào có thể hoặc nên thống trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng tôi vẫn đang phối hợp với các đồng minh và đối tác để đáp ứng những nhu cầu an ninh cấp thiết trong khu vực”, Bộ trưởng Esper phát biểu trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Không chỉ vậy, cũng trong buổi họp báo, vị quan chức cấp cao Lầu Năm Góc còn lên án chính sách bẫy nợ của Trung Quốc đối với các quốc gia châu Á: “Trung Quốc đang quân sự hóa tài nguyên chung bằng cách sử dụng con mồi kinh tế và các thỏa thuận nợ đổi lấy chủ quyền, thúc đẩy hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của các nước khác”.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Esper được đưa ra trong bối cảnh gần đây chính quyền Washington tăng cường thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan từ 29/7 đến 3/8, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng chỉ trích hành động "cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước thành viên ASEAN "công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động này".

Lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 31/7 ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ,  cho biết: “Các hoạt động khảo sát của một tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và việc triển khai tàu cảnh sát biển của Trung Quốc chỉ là bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng hành vi cưỡng ép nhằm khẳng định các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông".

Trong một tuyên bố ngày 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông muốn sớm bố trí tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á. Điều này có thể làm cho Trung Quốc tức giận song sẽ không ngạc nhiên vì “hơn 80% kho vũ khí của họ là hệ thống tên lửa tầm trung”.

Bên cạnh tranh cãi liên quan đến Biển Đông, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington còn bị bao phủ trong bóng đêm “chiến tranh thương mại – hiện đang bị đẩy lên một mốc căng thẳng mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế mới lên hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài
Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người dân, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN