Mỹ đã đình chỉ hợp tác với Niger sau cuộc đảo chính hôm 26/7 lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi, bà Molly Phee, đã đến Niamey từ ngày 12/12 để gặp một số quan chức Niger, trong đó có Thủ tướng do quân đội bổ nhiệm Ali Mahaman Lamine Zeine.
Phát biểu trước báo giới, bà Phee nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng tiếp tục hợp tác nếu Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc (CNSP) của Niger công bố “thời hạn chuyển tiếp nhanh chóng và đáng tin cậy”, dẫn đến thành lập “một chính phủ được bầu cử dân chủ”.
Chính quyền quân sự tại Niger đang đề xuất thời gian chuyển tiếp tối đa 3 năm trước khi trao lại quyền lực cho chính quyền dân sự. Thời hạn này sẽ được xác định thông qua "cuộc đối thoại quốc gia" dự kiến sớm được tổ chức.
Bà Phee cho biết phía CNSP đồng ý một giải pháp “thỏa đáng” cho cựu Tổng thống Mohamed Bazoum, gia đình và các thành viên trong chính phủ của ông.
Kể từ sau cuộc đảo chính, Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị giam lỏng tại nơi ở cùng vợ và con trai. Một số quan chức chính quyền của ông bị bắt hoặc đã trốn ra nước ngoài.
Trước đó, ngày 10/12, bà Phee cũng đã tham gia hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS). Tổ chức này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nặng nề đối với Niger sau cuộc đảo chính.
Nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi CNSP phản ứng tích cực với đề nghị đàm phán của ECOWAS, đồng thời khẳng định Washington ủng hộ các nghị quyết của tổ chức khu vực này. Phía ECOWAS cũng chỉ đồng ý nới lỏng các biện pháp trừng phạt khi CNSP đảm bảo thực hiện một “quá trình chuyển tiếp nhanh chóng”.
Niger là một đồng minh quan trọng trong cuộc chiến của Mỹ chống phiến quân Hồi giáo tại khu vực Sahel của Tây Phi. Giống như các đối tác phương Tây khác, Mỹ đã cắt viện trợ cho Niger sau cuộc đảo chính quân sự trên, song vẫn duy trì sự hiện diện, theo đó triển khai khoảng 648 binh sĩ tại nước này.