Mỹ phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi

Ngày 29/3, Chính phủ Mỹ đã công bố các kế hoạch nhằm thúc đẩy các trang trại điện gió ngoài khơi bờ biển bang New York và New Jersey với mục tiêu cung cấp năng lượng cho hơn 10 triệu hộ gia đình trên toàn quốc vào năm 2030. Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong cuộc họp báo, Nhà Trắng cho biết sáng kiến trên sẽ do Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Năng lượng triển khai. Mục tiêu của kế hoạch này là sản xuất được 30 gigawatt điện gió vào năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi khoản đầu tư trị giá hơn 12 tỷ USD/năm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm, cũng như giúp Mỹ cắt giảm 78 triệu tấn khí CO2, một bước đi quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm làm chậm lại tốc độ Trái Đất ấm lên.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng cam kết đầu tư 230 triệu USD để nâng cấp các cảng biển trong nước nhằm hiện đại hóa và hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi thuận lợi hơn. Chính quyền cũng cung cấp khoản vay lên tới 3 tỷ USD cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia (NOAA) cũng sẽ tài trợ 1 triệu USD để nghiên cứu về khả năng cùng tồn tại giữa các dự án điện gió ngoài khơi với các cộng đồng sinh sống ở vùng duyên hải, đặc biệt là ngư dân.

Hiện chỉ có một trang trại điện gió ngoài khơi đang vận hành đầy đủ ở Mỹ là trang trại Đảo Block. Công trình này, nằm ngoài khơi bang Rhode Island, được hoàn tất vào cuối năm 2016 với công suất 30 megawatt. Trong khi đó, dự án thí điểm Điện gió ngoài khơi vùng duyên hải Virginia (CVOW), với công suất 12 megawatt, đã hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2020. Giai đoạn cuối sẽ được hoàn tất vào năm 2026 và có thể cung cấp năng lượng cho 600.000 hộ gia đình. Các dự án điện gió ngoài khơi khác tại các bang Massachusetts, Rhode Island, New York, New Jersey, Delaware, Maryland và North Carolina đang trong giai đoạn phát triển. 

Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Biden đã thúc đẩy một số biện pháp bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu nhằm nhanh chóng đưa Mỹ trở lại quỹ đạo nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông đã ký loạt sắc lệnh, bao gồm yêu cầu Bộ Nội vụ Mỹ ngừng cho thuê mới các khu vực khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trên các vùng đất và vùng biển công, đồng thời bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các giấy phép hiện hành về phát triển nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng cam kết bảo tồn 30% diện tích đất và nước của liên bang đến năm 2030 và tìm cách tăng gấp đôi sản lượng điện gió ngoài khơi cũng trong thời gian này. 

Các sắc lệnh mới của Tổng thống Biden đã được các tổ chức hoạt động vì môi trường đánh giá tích cực. Ông John Morton, chuyên gia của công ty tư vấn khí hậu Pollination, nêu rõ chính sách này cho thấy ứng phó với biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ là ưu tiên và trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ này của chính quyền Mỹ.

Phương Oanh (TTXVN)
Mỹ khẳng định sẽ thực hiện các cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu
Mỹ khẳng định sẽ thực hiện các cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu

Ngày 25/1, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry khẳng định Mỹ sẽ thực hiện các cam kết tài chính hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN