Mỹ nỗ lực hàn gắn mối quan hệ Nhật - Hàn

Duy trì mối quan hệ đồng minh gần gũi ba bên Mỹ - Nhật - Hàn là phù hợp với lợi ích của các nước.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ông Mark Milley (đã đưa ra tuyên bố trên ngày 11/11 khi lên đường công du Đông Bắc Á.  Theo giới quan sát, việc chọn khu vực này là điểm đến trong chuyến ra nước ngoài đầu tiên của tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ kể từ khi nhậm chức cuối tháng 9 vừa qua cho thấy sự quan ngại của Lầu Năm Góc về quan hệ căng thẳng trong thời gian vừa qua giữa hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Chú thích ảnh
Tướng Mark Milley. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông cáo báo chí, Bộ Quốc phòng Mỹ dẫn tuyên bố của tướng Milley nêu rõ việc duy trì mối quan hệ này phục vụ các lợi ích của cả ba nước và trong quá khứ, các nước đã vượt qua những xích mích theo cách hữu ích cho quan hệ đồng minh. 

Theo truyền thông Mỹ, Nhật Bản sẽ là chặng dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Milley trước khi ông tới thăm một số căn cứ thuộc quản lý của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chuyến đi được xem là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm hòa giải quan hệ ngoại giao hiện đang căng thẳng giữa hai quốc gia Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản và cũng là đồng minh gần gũi của Washington.  

Nhiều thông tin cho rằng quan chức quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tiến hành cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á với các nước đối tác (ADMM+), dự kiến diễn ra trung tuần tháng này tại Thái Lan. Nếu vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong Doo sẽ có gặp nhau lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái và ngay trước thời điểm thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự giữa hai nước hết hiệu lực vào ngày 22/11 tới. Bộ trưởng Kono được cho là sẽ yêu cầu Hàn Quốc xem xét lại quyết định không gia hạn Hiệp định Bảo mật thông tin quân sự chung (GSOMIA). Tokyo quan ngại nguy cơ hợp tác an ninh giữa 3 bên liên quan Mỹ sẽ suy yếu khi GSOMIA hết hạn trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng tên lửa thời gian qua. 

Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, sau khi các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 phán quyết một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên 1910-1945. Căng thẳng leo thang khi Nhật Bản ngày 4/7 siết chặt các quy định xuất khẩu các loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Sau đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các mặt hàng nhạy cảm lỏng lẻo. Phía Hàn Quốc đã phản đối mạnh các động thái trên của Nhật Bản, cho rằng đó là hành động trả đũa các phán quyết trên của tòa án Hàn Quốc và sau đó đã chính thức loại Nhật Bản ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của Seoul. Hàn Quốc cũng đã tuyên bố đơn phương rút khỏi GSOMIA với Nhật Bản, đẩy hiệp định quan trọng trong hợp tác về vấn đề Triều Tiên này sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 22/11 tới đây.

Lan Phương  (TTXVN)
Căng thẳng Nhật–Hàn có thể bóp nát ‘giấc mơ’ thương mại của Trung Quốc  
Căng thẳng Nhật–Hàn có thể bóp nát ‘giấc mơ’ thương mại của Trung Quốc  

Bắc Kinh trông chờ thỏa thuận chung giữa ba nước Trung-Nhật-Hàn là một chiến lược quan trọng để chống lại chính sách trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, những tranh cãi cũ và mới giữa hai nước láng giềng này có thể khiến thỏa thuận tự do thương mại ba bên không đạt tiến triển trong năm nay. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN