Căng thẳng Nhật–Hàn có thể bóp nát ‘giấc mơ’ thương mại của Trung Quốc  

Bắc Kinh trông chờ thỏa thuận chung giữa ba nước Trung-Nhật-Hàn là một chiến lược quan trọng để chống lại chính sách trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, những tranh cãi cũ và mới giữa hai nước láng giềng này có thể khiến thỏa thuận tự do thương mại ba bên không đạt tiến triển trong năm nay. 

Giới quan sát cho rằng bất kỳ sự leo thang tranh cãi chính trị hay thương mại nào giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đều có thể gây tổn hại đến hy vọng của Trung Quốc về việc đảm bảo cho một thỏa thuận thương mại ba bên với hai quốc gia trên. 

Hãng thông tấn Kyodo hôm 26/7 đưa tin Tokyo đang chuẩn bị xóa Seoul khỏi danh sách các nước được nhận ưu đãi về quy chế xuất khẩu – vốn giảm tối đa hạn chế thương mại giữa hai bên – sớm nhất từ ngày 2/8. Nếu được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt, quyết định trên sẽ có hiệu lực trong vòng 21 ngày. 

Chú thích ảnh
Tranh cãi giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây có thể bóp nát tham vọng của Trung Quốc về cuộc đàm phán thương mại tư do ba nước. Ảnh: EPA-EFE

Trong khi đó, theo truyền thông Hàn Quốc, Seoul đã hủy toàn bộ các cuộc đàm phán để gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương gồm 11 thành viên do Nhật Bản dẫn đầu và hiện là khối thương mại lớn nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Những căng thẳng mới nhất – bùng phát bởi cuộc tranh cãi không hồi kết về vấn lao động cưỡng ép người Hàn Quốc trong thời Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên năm 1910–1945, diễn ra trong bối cảnh ba nước lớn ở châu Á đang theo đuổi một thỏa thuận thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương (RCEP), dự kiến hoàn tất tại Trung Quốc vào ngày 31/7.

RCEP là một hiệp định thương mại gồm 16 nước: 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc. Các cuộc đàm phán cho thỏa thuận dự kiến được hoàn thành vào cuối năm nay.

Bắc Kinh nhìn nhận một hiệp ước thương mại chung với Tokyo và Seoul là một phần quan trọng trong những nỗ lực của nước này để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và đa dạng hóa thị trường trước tình hình Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng chống lại thương mại tự do bằng chính sách mậu dịch công kích hơn. 

Những bất đồng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm nổi bật lỗ hổng về mặt chính trị giữa ba nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Bắc Á, mặc dù họ độc lập kinh tế cao. Cùng với Trung Quốc, hai nước trên chiếm gần 24% Tổng sản lượng quốc nội (GDP) toàn cầu, nhiều hơn cả Liên minh châu Âu và chỉ xếp sau khối thương mại Canada, Mexico và Mỹ.

Nỗ lực để giành được một thỏa thuận thị trường chung cho gần 2 tỷ người – tổng dân số của ba quốc gia – đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ sau cuộc đàm phán “phá băng ngoại giao” giữa Trung Quốc và hai nước láng giềng. 

Một bước chuyển trong chính sách của Triều Tiên, ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn phát triển vũ khí, cũng như hai cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng giúp giảm sự bất ổn và đắn đo về quyền lợi khi hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.  

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 22/7, ông Li Chenggang, trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết đẩy nhanh quá trình đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa Trung Quốc  - Nhật Bản – Hàn Quốc là một ưu tiên của nước này. Tháng sau, Trung Quốc sẽ tổ chức hội chợ thương mại châu Á tại Trường Xuân, Quế Lâm. 

Chú thích ảnh
Nhật Bản đang xem xét xóa Hàn Quốc khỏi danh sách trắng. Ảnh: Reuters

Trong khi giới quan sát cảnh báo tranh cãi sục sôi giữa hai đồng minh lớn của Mỹ tại châu Á sẽ làm tổn hại đến tầm ảnh hưởng của Washington tại một khu vực trên chiến tuyến của sự đối đầu Trung Quốc-Mỹ, nhiều người tin rằng sẽ có thiệt hại song song đối với các cuộc đàm phán đang diễn ra về thỏa thuận tự do mậu dịch ba bên.

Được đề xuất lần đầu năm 2002 nhưng thỏa thuận trên dường như mới lấy được đà từ tháng 4 năm ngoái khi nhà lãnh đạo ba nước quy tụ tại Tokyo cho cuộc gặp mặt lần đầu tiên kể từ năm 2015 và đạt được sự đồng thuận để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, theo tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Cho đến nay, 15 vòng đàm phán đã diễn ra, chủ yếu tại Nhật Bản hồi tháng 4, khi bộ ba nước lớn châu Á này cam kết “sẽ đẩy mạnh giải phóng thương mại và đầu tư để kết hợp các quy tắc tiêu chuẩn cao nhằm tạo ra một hiệp định thương mại tự do RCEP-Plus”, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo tại thời điểm đó.

Trả lời tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 27/7, ông Takashi Terada, Giáo sư tại Đại học Doshisha ở Kyodo, Nhật Bản nhận xét: “Đàm phán tự do thương mại ba bên đã tiến triển từng bước, không chính thức và thông qua những cách tiếp cận cấp thấp hơn như một cách thực tế cho sự phát triển hợp tác, do mối quan hệ song phương căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ và lịch sử dai dẳng. Vấn đề đặc biệt này ở Đông Bắc Á là một lỗ hổng cơ bản cho sự phát triển hợp tác ba bên”.

Ông Jeong Hyung-Gon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc lại cho rằng các vấn đề chính trị - từ tranh chấp lãnh thổ đến chiến tranh trong quá khứ - đã trở thành rào cản nghiêm trọng nhất mà ba nước cần phải vượt qua để thúc đẩy hội nhập kinh tế, bất kể tiến bộ kinh tế và công nghệ ấn tượng của họ. “Xét về quy mô nền kinh tế, vị trí địa lý gần cùng tăng trưởng kinh tế tiềm năng, có tiềm năng để tạo ra một trong những khối kinh tế lớn nhất trên thế giới. Do đó, một thỏa thuận tự do thương mại Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc là một lựa chọn khả thi để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ba nước”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Jeong, tranh cãi hiện nay giữa Seoul và Nhật Bản có thể tác động nguy hiểm đến tiến trình đám phán của thỏa thuận ba bên. “Sự hình thành của thỏa thuận tự do thương mại được coi là một ngoại lệ đối với nguyên tắc quốc gia được ưa chuộng nhất tại Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), bởi những ưu đãi mà các bên tham gia vào một khu vực thương mại tự do độc quyền dành riêng cho nhau vượt ra ngoài các cam kết gia nhập của họ. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại Thủ tướng Shinzo Abe phát động chống lại nước láng giềng Hàn Quốc là hành vi hoàn toàn ngược lại”, chuyên gia người Hàn Quốc khẳng định. 

Nhiều khả năng, tình trạng căng thẳng giữa Seoul và Tokyo đồng nghĩa với việc cuộc gặp lãnh đạo cấp cao thường niên giữa ba nước, năm nay do Bắc Kinh đăng cai tổ chức, sẽ bị hoãn lại. 

Các chuyên gia đều nhất trí rằng việc thiết lập một khối kinh tế Đông Bắc Á sẽ không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là sự khác biệt lớn về độ mở cửa thị trường giữa ba quốc gia.

Ông Mashiro Kawai, Giáo sư tại Đại học Tokyo, cho rằng ngành ngư nghiệp và nông nghiệp của Nhật Bản cùng ngành sản xuất của Hàn Quốc là một trong những vấn đề bất đồng nhất, khi Tokyo muốn có thêm cơ hội trong thị trường xe hơi và cơ khí của Seoul nhưng Seoul lại miễn cưỡng đồng ý.

Trong khi đó, Hàn Quốc có lĩnh vực nuôi trồng kém cạnh tranh nhất trong ba nước, lại tìm kiếm hướng tiếp cận lớn hơn đối với thị trường nông nghiệp của Nhật Bản. Nhật Bản cũng muốn tìm cách khai thác sâu hơn với lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Mỹ đề xuất thời điểm thảo luận ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc
Mỹ đề xuất thời điểm thảo luận ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ ngày 26/7 cho biết Washington sẵn sàng tổ chức cuộc gặp cấp ngoại trưởng ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề Hội nghị ngoại trưởng diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tuần tới tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN