Mỹ, Nhật Bản công bố định hướng hợp tác quốc phòng mới

Trong một tuyên bố được nhìn nhận chắc chắn sẽ gây phản ứng từ phía Trung Quốc, ngày 27/4, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định trung thành với cam kết cùng bảo đảm an ninh các vùng lãnh thổ của đồng minh Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại cuộc họp báo sau cuộc gặp. Ảnh: AFP/TTXVN


Hai nước cũng công bố văn bản định hướng hợp tác quốc phòng mới để gia tăng hợp tác trong các vấn đề an ninh và quốc phòng.


Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong cuộc họp báo chung ngày 27/4 sau khi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter hội đàm tại New York với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản


Nakatani, khẳng định lại cam kết hiệp ước an ninh theo đó Mỹ có trách nhiệm cùng Nhật Bản bảo đảm an ninh toàn bộ các vùng lãnh thổ hiện nằm dưới quyền quản lý của Tokyo, trong đó bao gồm cả nhóm đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông.


Ngoại trưởng Mỹ cũng mạnh mẽ lên tiếng bác bỏ mọi ý nghĩ cho rằng tự do hàng hải và tự do hàng không là những đặc quyền mà các nước lớn ban phát cho các nước nhỏ hơn.


Một diễn biến được coi là mang tính lịch sử trong quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Nhật Bản, trong cuộc họp báo, các quan chức đứng đầu ngoại giao và quốc phòng hai nước cùng công bố các định hướng hợp tác quốc phòng mới Mỹ-Nhật để chuẩn bị cho cuộc hội đàm vào ngày 28/4 tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe.


Định hướng hợp tác quốc phòng mới giữa Washington với Tokyo phản ánh nguyện vọng của Nhật Bản muốn đóng vai trò quốc tế lớn hơn, trong đó có cả vai trò quân sự, sau khi quốc gia này hồi năm ngoái đã diễn giải lại bản Hiến pháp sau chiến tranh thế giới lần thứ hai để được quyền thực thi “quyền phòng vệ tập thể”.


Định hướng hợp tác quốc phòng sửa đổi so với văn bản năm 1997 cũng cho phép Nhật Bản tham gia vào việc thiết lập các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, chống chiến tranh mạng, chiến tranh vũ trụ và bảo đảm an ninh hàng hải.


Các chuyên gia cho rằng, với các định hướng hợp tác quốc phòng mới này, Mỹ và Nhật Bản có thể cũng sẽ gia tăng phối hợp trong các hoạt động bảo đảm an ninh của cả khu vực Biển Đông, trong đó có việc cùng tiến hành các hoạt động tuần tra chung.



TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN