Trước đó, vào tháng 7, một bồi thẩm đoàn tại New York tuyên bố ông Hwang, người gốc Hàn Quốc, phạm 10/11 tội danh mà ông bị cáo buộc và có thể phải đối mặt với án tù chung thân. Thẩm phán Alvin Hellerstein cho biết bản án này là cần thiết để phản ánh tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Hwang, nhà sáng lập và điều hành Archegos thuộc sở hữu gia đình, đã sử dụng tiền vay từ các ngân hàng lớn để đầu tư vào một số cổ phiếu. Tuy nhiên, khi các khoản đầu tư này gặp khó khăn, quỹ không thể đáp ứng các yêu cầu (lệnh yêu cầu bổ sung tiền hoặc tài sản để duy trì các giao dịch) để bù đắp cho những khoản thua lỗ. Điều này dẫn đến sự sụp đổ của Archegos, gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu và khiến một số ngân hàng lớn như Credit Suisse, Nomura và Morgan Stanley thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.
Credit Suisse là ngân hàng chịu thiệt hại nặng nề nhất, mất khoảng 5,5 tỷ USD. Vụ việc đã làm suy yếu hoạt động của Credit Suisse, đẩy ngân hàng này đến bờ vực phá sản vào năm 2023, trước khi được đối thủ UBS của Thụy Sĩ tiếp quản.
Vụ án đã được đưa ra ánh sáng với sự tham gia làm chứng của hai cựu giám đốc điều hành Archegos. Một trong số họ đã khai báo rằng ông Hwang yêu cầu ông ta báo cáo sai sự thật về tình hình tài chính của quỹ. Khi đó, Archegos nắm giữ cổ phần lớn tại một số công ty, bao gồm ViacomCBS, hiện là Paramount Global, với mục tiêu thao túng giá cổ phiếu.
Vào thời kỳ đỉnh cao tháng 3/2021, Archegos đã có khoản đầu tư lên đến 160 tỷ USD thông qua các công cụ phái sinh. Mặc dù kế hoạch ban đầu đã mang lại lợi nhuận lớn, thậm chí tăng gấp 4 lần giá trị của cổ phiếu ViacomCBS, nhưng khi công ty này thông báo tăng vốn vào năm 2021, giá cổ phiếu đột ngột sụt giảm. Cú sập giá này đã kéo theo một loạt đợt bán tháo trên Phố Wall, khiến giá trị tài sản của Archegos và các cổ phiếu mà quỹ này nắm giữ giảm mạnh, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng cho các ngân hàng tài trợ cho Archegos.