Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết trong khi đó, Iran đang yêu cầu Mỹ đưa IRGC ra khỏi danh sách “nhóm tổ chức khủng bố nước ngoài” trước khi quay trở lại đàm phán về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Chuyên gia Ali Vaez tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế nhận định: “Cả hai nước đều kỳ vọng rằng bên còn lại sẽ nhượng bộ trước”.
Đàm phán khởi động từ cách đây một năm tại Vienna (Áo) để khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015.
Điểm chính của JCPOA là Iran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran. Đổi lại, Tehran cũng chối bỏ các hạn chế áp đặt lên chương trình hạt nhân của nước này trong khuôn khổ JCPOA.
Tổng thống Biden muốn Iran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Nhưng bất chấp các kỳ vọng ban đầu, đàm phán rơi vào bế tắc và các phái viên cũng không đến thủ đô nước Áo từ 11/3.
Số phận của IRGC là một trong những rào cản cuối cùng với các cuộc đàm phán. Iran lập luận rằng cựu Tổng thống Donald Trump bổ sung IRGC vào danh sách để tăng áp lực lên Tehran sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA. Nhưng phía Mỹ phản pháo lại và cho rằng điều này không hề liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price trong tuần này cho biết Iran nên thương lượng trong thiện chí và có qua có lại. Ông nhấn mạnh: “Nếu Iran muốn gỡ bỏ các lệnh trừng phạt vượt ra ngoài JCPOA thì họ cần giải đáp được những mối lo ngại của chúng tôi vượt ngoài JCPOA”.
AFP đánh giá phát biểu của ông Price phản ánh chính quyền Tổng thống Biden củng cố quan điểm không đưa IRGC khỏi danh sách khủng bố. Vào đầu tháng 4, Ngoại trưởng Antony Blinken thậm chí nói rằng trong mắt ông IRGC chính là “một tổ chức khủng bố”.