Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Tiến triển quan trọng đã đạt được trong tuần trước… nếu Iran thể hiện sự nghiêm túc, chúng tôi có thể và sẽ đạt được thỏa thuận về việc cả hai nước cùng trở lại thực thi đầy đủ JCPOA trong những ngày tới”. Tuy vậy, quan chức này cũng nhấn mạnh: "Bất kỳ hành động nào đi quá xa đều sẽ đẩy triển vọng quay trở lại thỏa thuận này rơi vào vùng rủi ro nghiêm trọng”.
Trước đó, ngày 16/2, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Ali Bagheri cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Vienna đang “tiến gần hơn bao giờ hết đến một thỏa thuận”. Tuy nhiên, ông Bagheri cho rằng các bên tham gia vẫn chưa đạt được đồng thuận khi chưa thống nhất được tất cả các nội dung đàm phán. Ông kêu gọi các bên cần phải thực tế, tránh nóng vội và lưu ý rút ra kinh nghiệm từ các bài học trong 4 năm qua. Theo ông, đây là lúc để đưa ra “những quyết định nghiêm túc”.
Trong một diễn biến liên quan, hơn 160 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang đe dọa phá vỡ một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng với Iran, đồng thời cảnh báo Tổng thống Joe Biden rằng bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết mà không có sự chấp thuận của Quốc hội sẽ vấp phải sự phản đối và sẽ bị lật ngược nếu đảng Cộng hòa giành lại thế đa số.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong một bức thư gửi cho Tổng thống Biden, các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đề cập đến các thông tin Iran đang yêu cầu "đảm bảo" rằng Mỹ sẽ không bao giờ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu Tehran đồng ý tuân thủ thỏa thuận về chương trình hạt nhân của mình. Các thành viên đảng Cộng hòa cho rằng một thỏa thuận như vậy sẽ “không mang tính ràng buộc”, do đó sẽ phản đối nếu Iran không "loại bỏ hoàn toàn năng lực làm giàu và tái xử lý cơ sở hạ tầng có liên quan đến hạt nhân", thả tất cả con tin người Mỹ và chấm dứt tài trợ khủng bố.
Tuần trước, nhóm các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng gửi bức thư tương tự tới Tổng thống Biden trong nỗ lực ngăn chặn Mỹ quay trở lại JCPOA.
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức). Theo thỏa thuận, Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận với lý do còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không thu được kết quả.
Từ tháng 4/2021, Iran và các nước còn lại đã nối lại đàm phán tại Vienna để tìm cách khôi phục thỏa thuận, trong đó Mỹ đàm phán gián tiếp thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU).