Tuy nhiên, ông Bagheri cho rằng các bên tham gia vẫn chưa đạt được đồng thuận khi chưa thống nhất được tất cả các nội dung đàm phán. Ông kêu gọi các bên cần phải thực tế, tránh nóng vội và lưu ý rút ra kinh nghiệm từ các bài học trong 4 năm qua. Theo ông, đây là lúc để đưa ra “những quyết định nghiêm túc”.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng đánh giá Washington đang ở trong “những giai đoạn cuối cùng” của các cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran nhằm khôi phục JCPOA. Phát biểu với báo giới, ông Price cho biết: “Đây thực sự là giai đoạn quyết định, trong đó chúng tôi sẽ có thể xác định liệu việc cùng quay trở lại tuân thủ JCPOA có sắp sửa được tiến hành hay không”.
JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức). Theo thỏa thuận, Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận với lý do còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không thu được kết quả.
Từ tháng 4/2021, Iran và các nước còn lại đã nối lại đàm phán tại Vienna để tìm cách khôi phục thỏa thuận, trong khi Mỹ không tham gia trực tiếp mà thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc điện đàm với Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, Josep Borrell ngày 14/2, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho rằng các nước phương Tây thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện mục tiêu đạt được một thỏa thuận tốt và đáng tin cậy tại Vienna. Điều này khiến các cuộc thảo luận kéo dài một cách không cần thiết.