Phát biểu trên được nhà ngoại giao Mỹ đưa ra tại Ai Cập trong khuôn khổ chuyến thăm lần thứ 10 tới khu vực này kể từ khi cuộc chiến Gaza nổ ra tháng 10/2023.
Cụ thể, trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp với người đồng cấp Ai Cập Badr Abdelatty, ông Blinken cho biết hai bên đã thảo luận về tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn và sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu này cùng với đối tác trong khu vực là Qatar. Ông Blinken nhấn mạnh lệnh ngừng bắn là cơ hội tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, để giải quyết các nguy cơ đe dọa sự ổn định của khu vực.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cảnh báo mọi hành động leo thang, trong đó có các vụ nổ thiết bị nhắn tin khiến các thành viên Hezbollah ở Liban thiệt mạng và bị thương ngày 17/9, sẽ tạo ra rào cản cho mục tiêu đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Quan chức này cũng khẳng định Cairo sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào đối với các thỏa thuận an ninh đã có trên biên giới với Gaza trước khi chiến tranh nổ ra giữa Israel và Hamas. Ông nhắc lại lập trường phản đối mọi sự hiện diện quân sự dọc theo phía đối diện của cửa khẩu biên giới và Hành lang Philadelphi.
Đây là chuyến thăm Trung Đông lần thứ 10 của ông Blinken kể từ khi xung đột Gaza bùng phát cách đây gần một năm. Chuyến công du diễn ra chỉ vài giờ sau loạt vụ nổ nhằm vào lực lượng Hezbollah ở Liban, làm phức tạp thêm tình hình đàm phán. Trước khi gặp Ngoại trưởng Badr Abdelatty, ông Blinken đã gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, trong đó hai bên cũng nêu cao cam kết tăng cường nỗ lực thúc đẩy hòa đàm Gaza. Theo thông báo từ Văn phòng Tổng thống Ai Cập, trong cuộc thảo luận kéo dài 90 phút, hai bên đã bàn về "cách tăng cường nỗ lực chung giữa Ai Cập, Mỹ và Qatar để đạt được tiến triển trong đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin". Ông Sisi cũng kêu gọi "can thiệp quyết liệt" để đẩy nhanh việc vận chuyển viện trợ vào Gaza và chấm dứt "các hành vi vi phạm của Israel ở Bờ Tây".
Theo nguồn tin Mỹ, 2 trở ngại chính trong đàm phán hiện nay là Israel từ chối rút khỏi hành lang Philadelphi dọc biên giới Ai Cập-Gaza và yêu cầu mới của Hamas về việc thả tù nhân Palestine. An ninh trên biên giới và việc Israel có duy trì sự hiện diện của quân đội dọc theo vùng đệm dài 14 km Hành lang Philadelphi hay không đã trở thành trọng tâm của các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn và thả các con tin ở Gaza. Quân đội Israel đã tiến vào vùng đệm hồi tháng 5 khi tiến hành cuộc tấn công xung quanh Rafah. Ai Cập, là bên trung gian trong các cuộc đàm phán ngừng bắn, yêu cầu Israel rút quân và khôi phục sự hiện diện của người Palestine tại cửa khẩu Rafah giữa Bán đảo Sinai của Ai Cập và Gaza.