Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu với báo giới, ông Kirby nêu rõ gói hỗ trợ này bao gồm tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger, hệ thống phòng không Avenger, đạn dược cho các tổ hợp Patriot và tên lửa phóng loạt (MLRS) HIMARS. Đây là gói hỗ trợ thứ 39 trong quyền hạn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, theo đó tổng thống có thể cho phép chuyển giao hàng hóa và dịch vụ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội trong trường hợp khẩn cấp. Ông Kirby cho biết thêm các đối tác của Mỹ trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) giúp Washington cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, vì vậy việc hỗ trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu này sẽ được tiếp tục.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết với gói hỗ trợ mới nhất nói trên, tổng trị giá hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine đã lên tới 37,6 tỷ USD kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Trong khi đó, phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Oslo, Na Uy, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho rằng tất cả các thành viên NATO cần tăng cường hỗ trợ cả về quân sự và dân sự cho Ukaine. Về phần Na Uy, bà Anniken Huitfeldt thông báo nước này quyết định đóng góp một gói hỗ trợ trị giá 7 tỷ euro và gói này sẽ được phân bổ cho Ukraine trong 5 năm.
Cùng ngày, phát biểu tại diễn đàn an ninh Globsec ở thủ đô Bratislava của Slovakia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng nếu xung đột tại Ukraine kéo dài thì các nước phương Tây sẽ phải xem xét lại mức độ hỗ trợ Ukraine.
Theo ông Macron, phương Tây đang trang bị vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU), nhưng không đưa Ukraine vào bất kỳ cuộc đối thoại an ninh chiến lược nào. Nếu phương Tây muốn có hòa bình lâu dài, cần xem xét các thỏa thuận về cấu trúc an ninh với Ukraine.