Theo kênh truyền hình RT, giới chức y tế Mỹ đã ký một hợp đồng trị giá 119 triệu USD mua vaccine ngừa virus gây ra bệnh đậu mùa khỉ, sau khi một người đàn ông ở bang Massachusetts được chẩn đoán nhiễm loại virus hiếm gặp này từ đầu tuần.
Cụ thể, Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Y sinh (BARDA) đã ký hợp đồng trên với công ty dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic vào ngày 18/5, mua khoảng 13 triệu liều vaccine Jynneos dạng đông khô.
Vaccine Jynneos vốn được dùng để điều trị bệnh đậu mùa, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp loại vaccine này để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019, vài tháng trước khi phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bavarian Nordic thông báo các lô hàng đầu tiên của 13 triệu liều vaccine Jynneos sẽ không được giao trước năm 2023. Toàn bộ 13 triệu vaccine sẽ được giao cho phía Mỹ trong khoảng thời gian giữa năm 2024 và 2025 trong trường hợp BARDA đồng ý gia hạn hợp đồng.
Một số ca mắc đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở Anh, Canada, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Thụy Điển và Australia. Ngày 19/5, Bavarian Nordic thông báo họ cũng đã đạt được thỏa thuận mua vaccine đậu mùa với một quốc gia châu Âu nhưng không tiết lộ danh tính.
Ngoài vaccine, Chính phủ Mỹ cũng mua thêm các liều tecovirimat, một loại thuốc kháng virus điều trị bệnh đậu mùa ở khỉ, theo một hợp đồng trị giá 7,5 triệu USD với hãng dược phẩm Mỹ SIGA Technologies.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2003, trên 70 ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại Mỹ, đánh dấu đợt bùng phát đầu tiên ở bên ngoài châu Phi.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm sốt, đau đầu và nhức cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Theo WHO, các biến thể khác nhau của bệnh đậu mùa khỉ có độc lực khác nhau. Ở Cộng hoà Dân chủ Congo, giới chuyên gia ước tính virus này có tỷ lệ tử vong là 10%, trong khi ở Tây Phi, chỉ 1% những người nhiễm bệnh không qua khỏi. Trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn người lớn.