Theo đài Sputnik, kể từ đầu tháng 5, các cơ quan y tế đã xác nhận 13 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Mỹ. Ngoài ra, giới chức cũng đang theo dõi hàng chục người để tìm các dấu hiệu nhiễm bệnh tiềm ẩn. Hôm 18/5, quan chức cấp cao của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này lo ngại các ca nhiễm mới không đơn giản như những gì chúng ta thường nghĩ về bệnh đậu mùa ở khỉ và cảnh báo virus có thể lây lan ra bên ngoài nước Anh.
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Các nhà khoa học Đan Mạch đã xác nhận ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vào năm 1958, khi virus gây bệnh lây lan giữa những con khỉ đuôi dài (khỉ ăn cua) trong điều kiện nuôi nhốt. Virus gây bệnh đậu mùa ở khỉ là một loại virus thuộc họ Orthopoxvirus.
Các loại virus khác cùng họ thường gây ra các bệnh như đậu mùa, còn được gọi là bệnh đậu bò. Tuy nhiên, virus đậu mùa khỉ đã được tìm thấy ở một số loài động vật, bao gồm một số loài khỉ và động vật gặm nhấm khác. Nó cũng có thể lây sang người, nhưng con người không phải là ổ chứa tự nhiên của virus.
Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể.
Khi xâm nhập vào cơ thể con người, virus sẽ ủ bệnh trong khoảng từ 5 đến 21 ngày. Sau đó, các triệu chứng sẽ xuất hiện, bao gồm nhiều triệu chứng giống bệnh đậu mùa - chẳng hạn sốt, nhức đầu, đau cơ và các tổn thương lan rộng trên da, nổi mủ và vỡ ra. Tuy nhiên, không giống như bệnh đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ khiến các hạch bạch huyết sưng lên. Các triệu chứng có thể tồn tại hơn 4 tuần mới hồi phục, nhưng thường biến mất sau 2 tuần. Da của người mắc bệnh sẽ hình thành sẹo do tổn thương.
Mức độ nguy hiểm của virus đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa ở người chủ yếu gây ra các đợt bùng phát ở các khu vực rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Tây Phi và không thường thấy ở châu Âu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các biến thể khác nhau của bệnh đậu mùa khỉ có độc lực khác nhau. Ở Cộng hoà Dân chủ Congo, giới chuyên gia ước tính virus này có tỷ lệ tử vong là 10%, trong khi ở Tây Phi, chỉ 1% những người nhiễm bệnh không qua khỏi. Không giống như nhiều bệnh khác, trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn người lớn.
Tuy nhiên, trong những đợt bùng phát gần đây, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh đã giảm đi. Vào năm 2003, Mỹ đã ghi nhận 71 người nhiễm virus đậu mùa khỉ, song không ai trong số bệnh nhân tử vong. Tại Nigeria, giới chức đã phát hiện ít nhất 183 trường hợp mắc bệnh ở một số bang từ năm 2017 đến cuối năm 2019, nhưng chỉ có 9 trường hợp tử vong.
Bệnh đầu mùa khỉ được điều trị như thế nào?
Hiện chưa có phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, do mối quan hệ chặt chẽ giữa căn bệnh này với bệnh đậu mùa thông thường, các nhà nghiên cứu tin rằng vaccine đậu mùa cũng có thể bảo vệ con người khỏi dịch bệnh này. Giới chức cho biết họ đã phát hiện các ca nhiễm virus đậu mùa khỉ ở người trong một chương trình tiêm phòng bệnh đậu mùa.
Mỹ đã cấp phép vaccine Jynneos, một loại vaccine do Bavarian Nordic sản xuất, để tiêm chủng cho người trưởng thành phòng ngừa cả hai loại virus.
Các trường hợp mắc đậu mùa khỉ bất thường ở Anh
Ngày 17/5, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) thông báo về 4 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus này lên tổng cộng 7 người. Giới chức y tế đang điều tra mối liên hệ giữa các ca mắc. Tất cả bệnh nhân đều là đồng tính nam, song tính hoặc quan hệ tình dục đồng giới nam.
Trong thông báo mới nhất, Tiến sĩ Susan Hopkins, Cố vấn Y tế của Cơ quan An ninh Y tế Anh, cho biết: “Các bằng chứng cho thấy có thể virus đậu mùa khỉ đang lây lan trong cộng đồng qua những tiếp xúc gần. Chúng tôi đặc biệt kêu gọi những người đồng tính nam, lưỡng tính lưu ý về bất kỳ vết phát ban hoặc tổn thương bất thường nào và liên hệ ngay với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục”.
UKHSA cũng khuyến cáo người dân đặc biệt chú ý đến các tổn thương ở cơ quan sinh dục. 6 bệnh nhân đang được điều trị tại các đơn vị chuyên khoa về bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện. Một trường hợp đang cách ly và không cần điều trị tại bệnh viện.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng nạn phá rừng và biến đổi khí hậu có khả năng làm gia tăng các dịch bệnh lây nhiễm từ động vật, hoặc dịch bệnh lây lan giữa vật chủ động vật và con người.