Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (giữa, trái) và con gái Tổng thống Mỹ, cô Ivanka Trump (phải) chính thức khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem ngày 14/5. AFP/ TTXVN |
Tham dự buổi lễ có khoảng 800 người, trong đó dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan. Ngoài ra trong phái đoàn Mỹ còn có trợ lý Nhà Trắng là con gái Ivanka, con rể Kushner của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Dù không tham dự, song Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu qua video trước các quan khách.
Nhiều nước trong đó có cả các đồng minh của Mỹ đã phản đối động thái trên của Mỹ. Bộ Ngoại giao Israel cho biết có 86 đại sứ nước ngoài tại Israel được mời tham dự buổi lễ nhưng có tới 70% khách mời từ chối tới dự. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định nước này không có kế hoạch dời Đại sứ quán tại Israel tới thành phố Jerusalem, đồng thời nhấn mạnh London không đồng ý với quyết định dời Đại sứ quán của Mỹ.
Thực chất, Mỹ chỉ tạm thời chuyển đại sứ quán mới với một nhóm nhỏ nhân viên tới lãnh sự quán hiện có ở khu vực Arnona, thuộc Jerusalem cho tới khi tìm được khu vực mới để xây thêm khu phức hợp văn phòng trước cuối năm 2019, cho phép đại sứ và các nhân viên ngoại giao có thể sống và làm việc.
Việc mở Đại sứ quán Mỹ tại Israel ở Jerusalem là bước đi “hiện thực hoá” tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối năm ngoái khi công nhận vùng đất linh thiêng này là thủ đô của Israel. Đây cũng được xem là hành động nhằm thực thi một lời hứa mà ông Trump, khi là ứng cử viên tổng thống Mỹ, đưa ra trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tháp Trump ở New York, cũng là cam kết tranh cử của ông Trump trước các lực lượng bảo thủ ở Mỹ. Tuy nhiên, động thái này đã đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đặc biệt khi Washington đang giữ vai trò trung gian nhằm thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.
Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Mỹ đã từ bỏ vai trò làm trung gian hòa giải tại khu vực Trung Đông khi quyết định chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem. Ông chỉ trích quyết định chuyển Đại sứ quán của Mỹ là bất chấp "lẽ phải và công lý", cũng như coi thường cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Tổng thống Palestine gọi đây là "cú tát vào mặt" người Palestine và thế giới Arab, cho rằng Mỹ không còn được coi là bên hòa giải công bằng tại Trung Đông.
Hàng chục nghìn người Palestine đã tuần hành đến phía Đông Dải Gaza để tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem vào cùng ngày, cũng như phản đối Israel phong tỏa vùng đất duyên hải này suốt 12 năm qua. Các cuộc biểu tình diễn ra tại 5 khu vực chính của phía Đông Dải Gaza. Theo một nguồn tin y tế tại Gaza, ít nhất 37 người Palestine đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Isarel tại khu vực này. Trước đó, do lo ngại căng thẳng leo thang, Israel đã triển khai 3.000 cảnh sát tham gia ứng trực tại nhiều địa điểm ở Jerusalem.
Ngày 16/12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, theo đó quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này. Động thái đó đã gây căng thẳng leo thang và làn sóng phản đối kịch liệt trong khu vực. Dự kiến, Liên đoàn Arab (AL) sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường trong ngày 16/5 nhằm thảo luận về động thái bị cho là "bất hợp pháp" của Mỹ.