Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn thông cáo của WMO đánh giá năm 2023 là năm khó khăn đối với Mỹ Latinh xét về mặt khí hậu, đồng thời đây cũng năm nóng nhất từng ghi nhận tại khu vực này. Báo cáo gần đây của WMO nhận định sự kết hợp giữa El Niño và biến đổi khí hậu đã tác động mạnh đến khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm qua. Tốc độ tan chảy của các sông băng tăng mạnh cùng với mực nước biển dâng nhanh tại vùng biển Đại Tây Dương trong khu vực đang đe dọa nhiều vùng ven biển và các quốc đảo nhỏ ở Caribe.
Tổng thư ký WMO Celeste Saulo đã nêu bật các mối nguy hiểm về khí hậu tại Mỹ Latinh như nhiệt độ cao chưa từng thấy cùng nhiều hiện tượng cực đoan đã phá kỷ lục trong năm 2023. Thực tế cho thấy các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu là hậu quả từ hoạt động của con người ảnh hưởng đến thiên nhiên.
Ông Saulo cho hay cơn bão cấp 5 Otis đã tàn phá thành phố ven biển Acapulco của Mexico, khiến hàng chục người thiệt mạng và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, gây thiệt hại hàng tỷ USD. Lũ lụt tại nhiều nơi trong khu vực khiến người dân rơi vào cảnh khốn cùng, trong khi tình trạng hạn hán kéo dài khiến mực nước sông Rio Negro- một nhánh phía Bắc sông Amazon ở Brazil xuống mức thấp kỷ lục, đe dọa cuộc sống của người dân và phá hủy hệ sinh thái rừng. Ngoài ra, các đợt hạn hán cũng làm giảm mực nước tại kênh đào Panama, buộc các nhà quản lý phải giảm lưu lượng thuyền qua lại tại đây.
Báo cáo của WMO cho biết nhiệt độ trung bình tại Mỹ Latinh trong năm 2023 tăng 0,82 độ C so với mức trung bình ghi nhận trong giai đoạn 1991-2020. Trong đó, Mexico là quốc gia có tốc độ nóng lên nhanh nhất khu vực, tăng 0,3 độ C mỗi thập kỷ trong giai đoạn 1991-2023. Hồi tháng 8/2023, miền Bắc Mexico đã hứng chịu nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lên tới 51,4 độ C.
Bên cạnh đó, WMO nhận định quá trình chuyển đổi từ La Niña sang El Niño vào giữa năm đã gây ra sự thay đổi lớn trong phân bố lượng mưa, nhiều vùng từ hạn hán, lũ lụt chuyển sang chịu ảnh hưởng của các hiện tượng trái ngược. Thiên tai và biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp và an ninh lương thực tại Mỹ Latinh, khiến 13,8 triệu người rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, đặc biệt là ở khu vực Trung Mỹ và Caribe, cũng như ở Ecuador và Peru.
Trước tình hình này, chuyên gia của WMO đã cảnh báo về những ảnh hưởng từ việc tiếp xúc với nắng nóng, khói cháy rừng, bụi cát, ô nhiễm không khí tới sức khỏe của người dân trong khu vực, đặc biệt là vấn đề về tim mạch và hô hấp.