Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tấn công khu vực Mỹ Latinh muộn hơn so với phần còn lại của thế giới khi phải tới ngày 26/2 mới ghi nhận trường hợp đầu tiên là một người đàn ông quốc tịch Brazil sinh sống tại thành phố Sao Paolo trở về nước sau chuyến đi tới Italy, thời điểm đó đang trở thành tâm điểm của thế giới.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng, số bệnh nhân mắc COVID-19 ở cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã tăng chóng mặt, đến sáng 28/4 ghi nhận gần 170.000 ca, trong đó hơn 8.300 ca tử vong. Dường như các nước khu vực chưa lường hết được tốc độ xâm nhập nhanh chóng không thể kiểm soát của “kẻ thù vô hình” mang tên COVID-19, mặc dù có thể nói rằng Mỹ Latinh có nhiều thời gian hơn các nước ở những khu vực khác để chuẩn bị các biện pháp đối phó.
Trên thực tế, có thể thấy cách tiếp cận và quan điểm về phương thức đối phó với COVID-19 của các nước Mỹ Latinh không hẳn đã đồng nhất và kịp thời. Trong khi một số nước có những phản ứng khá nhanh trước diễn biến của dịch bệnh như Argentina quyết định đóng cửa biên giới và ban bố lệnh cách ly bắt buộc trên phạm vi toàn quốc chỉ hơn 2 tuần sau khi phát hiện ra ca nhiễm virus đầu tiên, thì một số nước khác như Brazil hay Mexico lại tỏ ra khá “thờ ơ” trước tính chất nghiêm trọng của COVID-19. Thậm chí Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro còn cho rằng dịch bệnh này chỉ là sự “thổi phồng” của truyền thông và đây thực ra chỉ là “một loại cúm thông thường”. Nhà lãnh đạo Brazil cũng là người chỉ trích các biện pháp cách ly xã hội mà chính quyền các bang áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cho rằng điều đó có thể khiến cho nền kinh tế sụp đổ.
Trong bối cảnh tình hình chính trị- xã hội tại nhiều nước ở khu vực Mỹ Latinh khá bất ổn trong thời gian qua với hàng loạt các cuộc biểu tình ở quy mô khác nhau, từ Chile, Bolivia tới Colombia, thì sự xuất hiện của COVID-19 thực sự là một cơn ác mộng. Ngay cả khi dịch bệnh đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng, dường như sự chủ quan và những lợi ích chính trị khác nhau cũng khiến người ta “phớt lờ” cảnh báo của giới chức y tế về hoạt động tụ tập đông người.
Phải đến khi số lượng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gia tăng chóng mặt hằng ngày tại mỗi nước, cũng như các lệnh cách ly bắt buộc với sự giám sát của cảnh sát và quân đội được áp dụng, các cuộc biểu tình mới tạm chấm dứt.
Là khu vực có tỷ lệ bất bình đẳng xã hội và người nghèo cao hàng đầu thế giới, Mỹ Latinh cũng dễ bị tổn thương hơn trước sự lây lan của đại dịch COVID-19. Theo thống kê chính thức của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL), bất chấp nỗ lực triển khai nhiều chương trình xóa giảm đói nghèo và cải thiện đời sống của người dân, cho tới cuối năm 2019, số người nghèo ở khu vực này vẫn còn khoảng 200 triệu người, tương đương với 30% dân số Mỹ Latinh, trong đó có khoảng 70 triệu người sống trong điều kiện bần cùng. Phần lớn bộ phận này là những lao động không chính thức, không có bảo hiểm y tế và xã hội và vì vậy không thể tiếp cận các dịch vụ y tế, trong khi hệ thống y tế công không được đầu tư đúng mức và trở nên quá tải khi dịch bệnh lây lan mạnh và số người mắc tăng cao.
Đơn cử như ở Brazil, dịch bệnh đang lây lan nhanh ở các khu nhà ổ chuột chật kín người tại Rio de Janeiro, thành phố có gần 1.000 khu ổ chuột với số dân là 1,7 triệu người. Ở những nơi như Rocinha, khu ổ chuột lớn nhất Mỹ Latinh, mật độ dân số lên tới gần 50.000 người/km2, hay khu Complexo da Maré là 31.000 người/km2, nhiều ngôi nhà có tới 7, 8 người chung sống trong mỗi phòng. Không gian chật chội, rác thải chất thành đống, điều kiện vệ sinh kém, nơi ở tối tăm... khiến các khu ổ chuột nhanh chóng trở thành điểm nóng COVID-19 ở Brazil. Quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này hiện cũng đứng đầu khu vực cả về số ca nhiễm lẫn số ca tử vong. Tính đến ngày 28/4, Brazil ghi nhận gần 67.500 người mắc COVID-19, trong đó trên 4.600 ca tử vong.
Cùng với đó, nhiều nước Mỹ Latinh chưa đầu tư đầy đủ cho lĩnh vực y tế công. Chỉ có 2,2% GDP khu vực được chi cho lĩnh vực này, thấp hơn nhiều so với mức 6% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế liên Mỹ. Phần lớn các nước vẫn sở hữu một hệ thống y tế công yếu kém và phân rẽ, không bảo đảm khả năng tiếp cận rộng rãi cần thiết trong trường hợp xảy ra đại dịch như COVID-19.
Hầu hết các nước thuộc khu vực Mỹ Latinh, ngoại trừ Chile và Brazil, đều đứng trước thực trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tế để đối phó với dịch COVID-19. Tại các quốc gia như Honduras và Venezuela, mật độ y tá và điều dưỡng chỉ ở mức dưới 10 người/10.000 dân, trong khi tại Bolivia và Colombia con số này là từ 10 đến 19 người.
Bên cạnh thách thức dịch tễ học, “cơn bão” COVID-19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế của tất cả các nước Mỹ Latinh vốn đã hết sức mong manh do sự sụt giảm cả về khối lượng và giá trị trao đổi thương mại với các đối tác trên thế giới. Theo dự báo của CEPAL, giá trị xuất khẩu hàng hóa của các nước Mỹ Latinh sẽ sụt giảm khoảng 10,7% trong năm nay. Các nước Nam Mỹ, trong đó có hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Brazil và Argentina, sẽ chịu tác động nặng nề nhất do tình trạng sụt giảm mạnh giá các mặt hàng nguyên liệu vốn là mũi nhọn xuất khẩu truyền thống. Các nước xuất khẩu dầu mỏ như Mexico, Venezuela, Ecuador và Colombia cũng bị cuốn vào vòng xoáy rớt giá thê thảm trong thời gian gần đây. COVID-19 còn gây thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch của nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là các nước vùng Caribe.
Với việc chính phủ các nước buộc phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội, các hoạt động kinh doanh, vận tải và dịch vụ bị gián đoạn, tác động nghiêm trọng tới đời sống của hàng triệu người lao động do đây là những lĩnh vực tạo ra khoảng 53% số việc làm không chính thức. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết số người mất việc làm tại Mỹ Latinh vì dịch COVID-19 đã lên tới con số 14 triệu người. Trong khi đó, số người nghèo có thể tăng lên tới 220 triệu, số người trong diện nghèo cùng cực sẽ tăng lên 90,8 triệu do đại dịch.
Các tổ chức tài chính-kinh tế thế giới và khu vực như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay CEPAL đều đưa ra dự báo bi quan về tình hình tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh trong năm nay với mức suy giảm từ 4,6% đến 5,2%. Các nước được dự báo kinh tế suy giảm mạnh nhất là Mexico và Ecuador (-6%), tiếp đến là Argentina và Brazil (-5%).
Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ Brazil đã quyết định đầu tư khoảng 36 tỷ USD để thực hiện các biện pháp khẩn cấp và 2 tỷ USD cho chương trình chống thất nghiệp. Mexico công bố gói kích thích kinh tế với khoảng 1 triệu khoản tín dụng không lãi suất cho các hộ kinh doanh nhỏ. Chile có gói hỗ trợ kinh tế trị giá 11,7 tỷ USD, tương đương với 4,7% GDP nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp và nguồn thu của các gia đình. Chính phủ Argentina cũng đầu tư khoảng 13 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng... Tuy nhiên, các chương trình này được đánh giá là chưa đủ khi dịch COVID-19 gây ra hậu quả về kinh tế và an ninh xã hội rất nghiêm trọng tại Mỹ Latinh, nhất là trong bối cảnh có đến 55% dân số Mỹ Latinh làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Mối lo ngại Mỹ Latinh có thể trở thành điểm nóng COVID-19 tiếp theo đang ngày càng gia tăng khi các chuyên gia cảnh báo khu vực này chưa qua đỉnh dịch, tình hình còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi khả năng chống chọi của nhiều nước thực sự rất hạn chế. Các chuyên gia cũng đánh giá Mỹ Latinh sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể khắc phục được những tác động do COVID-19 gây ra. Điều đó đòi hỏi các nước khu vực phải hợp lực chống dịch COVID-19, tương tự như cách Mỹ Latinh đã làm để vượt qua dịch Zika năm 2015. Đồng thời, đây cũng là thời điểm các nước Mỹ Latinh cần phải tính tới tương lai thời kỳ hậu COVID-19 với một bản đồ địa lý kinh tế mới bền vững và có sự hội nhập mạnh mẽ hơn để sớm khỏa lấp những gì mà đại dịch này đã lấy đi.