Phóng viên TTXVN tại khu vực trên dẫn thông cáo chính thức của Ủy ban châu Âu được công bố ngày 8/4 cho biết EU sẽ dành 918 triệu euro cho các quốc gia đối tác của mình tại Mỹ Latinh và Caribe. EU nêu rõ các khoản viện trợ cộng đồng của liên minh, với tổng giá trị lên tới 15,6 tỷ euro, sẽ tập trung hỗ trợ cho các tầng lớp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội như người di cư, dân tị nạn, những đối tượng bị mất nhà cửa ...., đồng thời đóng góp vào các mục tiêu chiến lược được thiết lập trong Thỏa thuận Xanh châu Âu và Chương trình Nghị sự kỹ thuật số của EU.
Ủy viên châu Âu về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic nhận định tác động của đại dịch COVID-19 sẽ nghiêm trọng hơn tại các quốc gia nghèo, ảnh hưởng lớn tới những người di cư và những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong các trại tị nạn và người di cư nội địa.
Tới nay, khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận hơn 37.540 người nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có ít nhất 1.460 người tử vong. Ngày 7/4, Tổ chức Y tế liên Mỹ (OPS) cảnh báo trong vòng từ 3 đến 6 tuần tiếp theo, dịch COVID-19 tại khu vực này có thể lên đến đỉnh điểm, đồng thời khuyến cáo các quốc gia phải tăng cường các biện pháp đối phó và phòng ngừa dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, mới đây, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc đã cảnh báo các nước Mỹ Latinh đang tiến tới đợt "suy thoái sâu" trong năm nay, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực được dự báo sẽ giảm 1,8%-4% do tác động của đại dịch.
Các quan chức CEPAL nêu rõ dự báo lạc quan nhất mới chỉ tính tới sự sụt giảm trong các hoạt động kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của khu vực. Nếu tình trạng sụt giảm trong hoạt động giao thương với Mỹ và EU được tính toán, tăng trưởng của Mỹ Latinh có nguy cơ giảm 3% tới 4% trong năm nay.
Hiện các quốc gia trong khu vực vẫn đang thực thi các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh cũng như hỗ trợ nền kinh tế. Peru đã cam kết cung cấp các khoản vay mới với giá trị 8,5 tỷ USD cho 350.000 doanh nghiệp nhằm hỗ trợ họ trả lương cho nhân viên và nhà cung cấp. Trong khi đó, Chính phủ Venezuela thông báo về một "kế hoạch đặc biệt" nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu do dịch bệnh bùng phát và các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản tín dụng trí giá 245 triệu USD cho một số nước Mỹ Latinh để giúp các quốc gia này mua trang thiết bị, vật tư y tế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.