Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Ba Lan là đồng minh NATO quan trọng trong khu vực, nhưng cho biết ông không biết vấn đề cụ thể này đang được bàn luận trong các cuộc thảo luận giữa hai đồng minh.
Tuyên bố của ông Patel được đưa ra nhằm bác bỏ đề xuất của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Trước đó, ông Duda cho biết Ba Lan đã đề nghị Washington đưa vũ khí hạt nhân tới lãnh thổ của mình giữa bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Ông Duda là người ủng hộ Ba Lan tham gia vào kế hoạch “chia sẻ hạt nhân” của Washington. Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng tuyên bố rằng Ba Lan đã thảo luận vấn đề này với Mỹ nhưng khả năng tiến hành vẫn còn bỏ ngỏ.
Hiện nay, trong số 3 cường quốc hạt nhân của NATO gồm Pháp, Anh và Mỹ, chỉ có Mỹ thực hiện chia sẻ hạt nhân. Vũ khí hạt nhân của Washington được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ theo một phần của chương trình chia sẻ hạt nhân.
Các quốc gia phương Tây đã hết sức lo ngại về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Moskva sẵn sàng “sử dụng mọi biện pháp” để tự vệ nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa. Phương Tây cáo buộc tuyên bố của ông Putin là lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao ở Moskva cũng như Đại sứ của Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov, sau đó khẳng định rằng Nga không đe dọa bất kỳ nước nào bằng vũ khí hạt nhân vì họ vẫn tin rằng không có bên chiến thắng nếu bùng phát xung đột hạt nhân.