Theo nhà điều hành đường ống khí đốt Ba Lan Gaz-System, khí đốt đã bắt đầu chảy vào nước này thông qua đường ống Baltic mới (Baltic Pipe) từ Na Uy qua Đan Mạch và Biển Baltic.
Đường ống này là trung tâm của chiến lược đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt của Ba Lan khỏi Nga, được khởi công xây dựng từ nhiều năm trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Một phát ngôn viên của Gaz-System nói với hãng tin Reuters rằng dòng chảy bắt đầu lúc 6:10 sáng (theo giờ địa phương, tức 11h:10 theo giờ VN) ngày 1/10.
Tờ New York Times cũng cho biết, ngày 1/10, dòng khí đốt tự nhiên đã bắt đầu chảy qua Baltic Pipe, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên mới duy nhất đi vào hoạt động ở châu Âu trong vòng nhiều thập kỷ.
Được khởi công vào năm 2018, Baltic Pipe - đường ống của Ba Lan và được sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu- sẽ mang khí đốt từ những nguồn năng lượng dồi dào của Na Uy đến Trung Âu, qua bờ biển Ba Lan. Sau đó, khí đốt có thể chảy qua các đường ống trên đất liền đến các nước Liên minh châu Âu khác trong khu vực.
Ba Lan đã nghĩ đến xây dựng Baltic Pipe từ những năm 1990 và coi đây là bước quan trọng để chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga – nguồn khí đốt đã không được cung cấp cho nước này kể từ khi Moskva cắt nguồn cung vào tháng 4.
Các chuyên gia cho biết đường ống mới có thể chuyên chở tới 10 tỷ mét khối mỗi năm, hoặc đủ để thay thế lượng khí đốt tự nhiên mà Ba Lan đã nhận từ Nga. Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Liên minh châu Âu nhằm đa dạng hóa cơ sở hạ tầng năng lượng, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu.
Baltic Pipe là đường khí đốt chính thứ ba chạy dưới Biển Baltic, cùng với hai đường ống Nord Stream hiện đã bị vỡ do các vụ nổ. Đường ống của Ba Lan bắt đầu ở Biển Bắc, phía tây Đan Mạch, nơi nó phân nhánh từ đường ống Europipe II, một trong mạng lưới đường ống dài hàng nghìn dặm chở khí đốt tự nhiên của Na Uy đến Bắc Âu qua Biển Bắc.
Với việc hai đường ống Nord Stream hiện đã bị hư hỏng, phương tiện hiệu quả nhất của Nga để vận chuyển khí đốt đến châu Âu đã bị vô hiệu hóa.