Đài Sputnik đưa tin Ngoại trưởng Ba Lan đã chính thức gửi công hàm tới Berlin yêu cầu bồi thường thiệt hại cho Thế chiến thứ hai.
“Công hàm mà tôi vừa ký sẽ được chuyển tới Bộ Ngoại giao Đức. Nó thể hiện niềm tin rằng các bên nên khẩn trương thực hiện các bước nhằm đi đến phương án giải quyết lâu dài và cuối cùng về vấn đề hậu quả của cuộc xâm lược của Đức trong giai đoạn 1939-1945”, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau thông báo ngày 3/10.
Ông Rau cho biết công hàm bao gồm yêu cầu Đức bồi thường thiệt hại vật chất và phi vật chất mà nhà nước Ba Lan phải gánh chịu, việc thanh lý các giá trị văn hóa Ba Lan và trả lại tài sản bị đánh cắp từ các ngân hàng nhà nước Ba Lan.
Chủ tịch PiS Jaroslaw Kaczynski đã lập đề nghị bồi thường vào ngày 1/9 nhân dấu mốc tròn 83 năm nổ ra cuộc xung đột.
Phía giới chức Đức đã lịch sự từ chối những yêu cầu trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Christopher Burger nói rằng vấn đề này đã được khép lại theo quan điểm của chính phủ liên bang.
“Ba Lan từ lâu, vào năm 1953, đã từ bỏ các khoản bồi thường tiếp theo, cũng như là đã nhiều lần xác nhận sự từ bỏ này. Đây là cơ sở quan trọng cho trật tự châu Âu ngày nay”, ông Burger nói.
Đảng PiS đã bác bỏ các điều khoản của sự miễn trừ năm 1953, cho thấy chính phủ khi đó đã bi gây áp lực để từ bỏ các yêu cầu bồi thường.
Bất chấp việc từ bỏ, Đức và Áo đã chi hàng tỷ USD tiền bồi thường cho những người dân Ba Lan còn sống sót sau các thí nghiệm y tế của Đức Quốc xã, nạn nhân của lao động nô lệ và một số hạng người hưu trí, với hầu hết các khoản tiền này được chi trả trong những năm 1990 và 2000.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock dự kiến thăm Warsaw vào ngày 4/10, nơi vấn đề bồi thường được đưa ra.
Bà Baerbock đã bình luận về những đau khổ khôn lường mà Đức đã gây ra cho người dân Ba Lan trong Thế chiến thứ hai trong một bài phát biểu hôm 2/10, nhưng không đề cập trực tiếp đến vấn đề bồi thường.
Căng thẳng giữa Đức và Ba Lan trở nên leo thang vào tháng trước. Khi đó, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Đức-Ba Lan đạt được dưới thời cựu Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt vào những năm 1970 trong một bài phát biểu cùng với cựu thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.
Cùng với Berlin, Warsaw cũng đe dọa yêu cầu Moskva bồi thường. Các quan chức Nga đã bác bỏ hoàn toàn những tuyên bố này, đồng thời nhắc lại vai trò của Hồng quân trong việc giải phóng Ba Lan khỏi Đức Quốc xã.