Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu sẽ tăng cường các nỗ lực để thực thi chiến lược hiện nay ngay cả khi nhóm cực đoan đe dọa tấn công thủ đô Washington. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là phát biểu ngày 16/11 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Trong lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris (Pháp) cuối tuần qua, Bộ trưởng Carter cho biết sự kiện đẫm máu này đã khiến nước Pháp hành động quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống IS, tổ chức đã tuyên bố đứng sau các vụ tấn công. Ông chủ Lầu Năm Góc bày tỏ hy vọng nó sẽ có ảnh hưởng tương tự với các đồng minh khác của Washington.
Nhà Trắng không thay đổi chiến lược tiêu diệt ISCũng tại diễn đàn trực tuyến do tờ “Wall Street Journal” tổ chức, Bộ trưởng Carter khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục các nỗ lực đánh bại IS, bao gồm tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ, tiêu diệt những thành viên khét tiếng cũng như hỗ trợ cho các lực lượng bộ binh. Theo ông Carter, Mỹ cũng đang tăng cường các biện pháp tình báo và giám sát nhằm ngăn chặn chiến dịch tuyên truyền của IS qua các kênh truyền thông xã hội.
* Liên quan đến chiến lược chống IS, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngày khẳng định việc Mỹ triển khai bộ binh để tác chiến chống lại nhóm IS “sẽ là một sai lầm” và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói rằng liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu sẽ đẩy mạnh các nỗ lực thực thi chiến lược đang theo đuổi hiện nay thay vì chuyển sang một hướng đi khác, ngay cả khi nhóm cực đoan nay vừa đăng tải trên Internet một đoạn video đe dọa tấn công thủ đô Washington. Khẳng định đây không phải quan điểm cá nhân, Tổng thống Obama nhận định yếu tố quyết định để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria là giảm qui mô lãnh thổ IS đang chiếm đóng và bàn giao cho các lực lượng sở tại. Ông tái khẳng định Washington không có kế hoạch triển khai lực lượng lính chiến đấu quy mô lớn tới Syria hoặc Iraq để đối phó với IS.
Dù bị nhiều nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích, chiến lược chống IS này của Tổng thống Obama đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ. Theo kết quả thăm dò dư luận chung được Reuters/IPOS công bố ngày 16/11, có tới 76% người dân nước này phản đối việc chính quyền triển khai bộ binh tới Iraq hoặc Syria, dù đa số đều muốn Mỹ tăng cường các nỗ lực chống IS sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Không kích xe vận chuyển dầu của phiến quân* Cùng ngày, các máy bay chiến đấu Mỹ đã được lệnh tấn công hàng trăm xe tải chở dầu mỏ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Đại tá Steven Warren, người phát ngôn của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu có căn cứ ở Baghdad, khẳng định rằng 4 máy bay chiến đấu A-10 và 2 máy bay trực thăng chiến đấu AC-130 đã phá hủy 116 xe tải gần Deir al-Zour, thành phố lớn nhất ở phía Đông Syria, hiện đang bị kiểm soát bởi lực lượng IS. Hoạt động này nằm trong một chiến dịch mới, có tên gọi Tidal Wave II, với nhiệm vụ tấn công các cơ sở hậu cần của IS nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế cho lực lượng khủng bố này.
Theo báo cáo quân sự của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, lực lượng IS đã khai thác và xuất khẩu dầu mỏ trung bình 10 triệu USD/tháng. Thống kê cho thấy mặc dù không để xảy ra những thiệt hại về tính mạng dân thường nhưng vụ không kích cũng không gây thiệt hại lớn đối với hệ thống vận chuyển dầu lậu của IS. Tuy nhiên, nó đã góp phần củng cố sự kiểm sóat của các lực lượng người Kurd và Yazidi vốn được Mỹ ủng hộ đối với đường cao tốc số 47 – tuyến đường trọng yếu đã từng cung cấp nhu yếu phẩm và là đường hành quân chủ yếu của các tay súng IS giữa Syria và Mosul, thành phố lớn thứ hai ở Iraq.