Tổng thống Nga, Mỹ nhấn mạnh cuộc chiến chống IS

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục nhấn mạnh tới cuộc chiến chống Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đặc biệt là quan điểm của các bên về cuộc chiến này.


Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Antalya ngày 15/11. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Putin tuyên bố các cuộc tấn công ở Paris (Pháp) đã cho thấy sự cần thiết của một liên minh chống khủng bố quốc tế.

Đề xuất từng được nhà lãnh đạo Nga nêu ra trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua. Tổng thống Nga nêu rõ một liên minh như vậy có thể hình thành và không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande có thể sẽ gặp nhau trước hội nghị cấp cao về vấn đề khí hậu tại Paris vào cuối tháng này. Thông tin cũng được Tổng thống Pháp xác nhận và cho biết chủ đề thảo luận sẽ là phối hợp các lực lượng tại Syria nhằm tiêu diệt IS.

Cũng phát biểu trong một cuộc họp báo sau Hội nghị G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington đã nhất trí về một thỏa thuận mới để chuyển giao thông tin tình báo cho Pháp nhanh hơn và thường xuyên hơn nhằm cố gắng bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công tương tự vụ khủng bố bất ngờ mới xảy ra ở Paris.

Tổng thống Obama cho biết thêm Mỹ không có thông tin tình báo chính xác trước các cuộc tấn công khủng bố này. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng bác bỏ khả năng có sự thay đổi trong chiến lược chống IS mà Washington đang theo đuổi.

Ông Obama cho rằng việc Mỹ triển khai bộ binh để tác chiến chống IS “sẽ là một sai lầm”. Theo đó, liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu sẽ tăng cường các nỗ lực để thực thi chiến lược hiện nay thay vì chuyển sang một hướng đi khác, ngay cả khi nhóm cực đoan đe dọa tấn công thủ đô Washington.

Ông Obama khẳng định yếu tố quyết định để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria là giảm quy mô lãnh thổ IS đang chiếm đóng và bàn giao cho các lực lượng sở tại.

Hội nghị G-20 ra tuyên bố chung

Sau hai ngày nhóm họp tại thành phố Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo G-20 ngày 16/11 đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết tiếp tục hành động nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế cân bằng, bền vững và mạnh mẽ.

Sau khi thảo luận những những vấn đề kinh tế và tài chính cấp bách hiện nay, lãnh đạo các nước G-20 nhất trí sẽ hành động nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đang yếu ớt. Tuyên bố chung sau hội nghị nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện không đồng đều và chậm hơn so với kỳ vọng.

Một trong những nguyên nhân gây cản trở là nhu cầu yếu và các vấn đề về cấu trúc. Các nước G-20 tái khẳng định mục tiêu nâng GDP của toàn bộ G-20 thêm 2% tới năm 2018, vốn được đặt ra cách đây một nămtại hội nghị thượng đỉnh ở Brisbane (Australia).


Nhằm đạt mục tiêu này, các nền kinh tế G-20 sẽ tiếp tục giám sát việc thực thi các cam kết, điều chỉnh chiến lược tăng trưởng phù hợp. Tuyên bố chung cũng khẳng định các nước G-20 sẽ cẩn trọng và trao đổi rõ ràng các quyết sách lớn về tiền tệ cũng như các vấn đề khác, qua đó giảm tính khó dự báo, giảm thiểu những tín hiệu tiêu cực và tăng cường sự minh bạch.

Lãnh đạo các nước G-20 nhấn mạnh vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong hệ thống thương mại đa phương cũng như trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn cầu. Bên cạnh đó, tuyên bố chung của G-20 cũng đề cập tới các vấn đề cải cách hệ thống thuế quốc tế, cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thúc đẩy tạo việc làm, đầu tư, đẩy mạnh hợp tác xóa đói nghèo, chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Đáng chú ý, Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này đã ra một tuyên bố riêng rẽ về vấn đề chống khủng bố, cam kết mang lại hòa bình cho Syria, tiêu diệt IS và giải quyết mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan. Các nhà lãnh đạo G-20 đã lên án loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) cũng như vụ đánh bom kép tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 10/10 vừa qua là “sự xúc phạm không thể chấp nhận được đối với toàn bộ nhân loại”, đồng thời cam kết sẽ chia sẻ thông tin tình báo.

Tuyên bố tái khẳng định không được phép liên hệ chủ nghĩa khủng bố với bất kỳ tôn giáo, dân tộc, nền văn minh hay nhóm sắc tộc nào. Sự lan rộng của các tổ chức khủng bố cũng như các hành động khủng bố trên phạm vi toàn cầu tác động trực tiếp tới việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ảnh hưởng tới các nỗ lực nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu, bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững. Tuyên bố riêng rẽ này cũng hối thúc tất cả các quốc gia chia sẻ gánh nặng về cuộc khủng hoảng di cư hiện nay với dòng người ồ ạt đổ vào châu Âu.

Theo thông báo sau hội nghị của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội nghị G-20 tiếp theo sẽ diễn ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) từ ngày 4-5/9/2016.

TTXVN/Tin Tức
Một tên khủng bố Paris có thể đã chạy sang Italy
Một tên khủng bố Paris có thể đã chạy sang Italy

Các nguồn tin cảnh sát Italy cho hay lực lượng an ninh đang truy lùng ở khu vực xung quanh thành phố Turin, miền Bắc nước này, một trong số những nghi phạm của vụ khủng bố ở Paris đêm 13/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN