Cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc có quy mô lớn nhất và rộng nhất trong số những xung đột thương mại mà Mỹ đang phải đối mặt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/7 cảnh báo có thể tiếp tục “làm nóng” hơn nữa.
Thị phần thương mại quốc tế chịu rủi ro của tình trạng trên đang gia tăng dẫn tới nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang có thể tác động xấu tới nền kinh tế thế giới, đầu tư sụt giảm và làm suy yếu các chuỗi cung cấp trên toàn cầu.
Sau nhiều tuần thương thảo dường như không có kết quả, Mỹ đầu tháng Bảy này đã áp thuế 25% đối với xấp xỉ 34 tỷ USD sản phẩm công nghệ và máy móc của Trung Quốc, dẫn tới một phản ứng ngay lập của Trung Quốc và nước này cho rằng Mỹ đã khơi mào “một cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới”.
Ngoài ra, Mỹ hiện đang xem xét và có thể sớm áp dụng thuế quan đối với 16 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.
Sau đó Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thông báo danh sách hàng hóa Trung Quốc có giá trị lên tới 200 tỷ USD nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ chịu mức thuế 10% sớm nhất là từ tháng 9/2018. Các hàng hóa Trung Quốc trong diện chịu thuế lần này khá đa dạng như cá, ngũ cốc, thảm, gạch, gỗ dán... cũng như các sản phẩm được làm từ đồng và kẽm.
Và mới nhất là ngày 20/7 vừa qua, ông Trump cảnh báo có thể áp thuế đối với 505 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – tương đương toàn bộ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang thị trường Mỹ trong năm 2017 – nếu Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các biện pháp đáp trả thương mại.
Trong khi đó, giới chức Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Canada mới đây đã đồng loạt bày tỏ sự phản đối đề xuất nâng thuế nhập khẩu thêm 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô của Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô của Mexico và Đức cũng lên tiếng chỉ trích đề xuất trên.
Tại phiên điều trần của Bộ Thương mại Mỹ ngày 19/7, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kazutoshi Aikawa khẳng định, hoạt động nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô từ Nhật Bản hiện không đe dọa, và sẽ không bao giờ làm tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ.
Nhà ngoại giao Nhật Bản cảnh báo, việc Mỹ áp thuế mới với ô tô nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng và các nhà chế tạo ô tô nội địa. Ông dẫn số liệu cho thấy việc áp thuế 25% sẽ làm giá mỗi chiếc ô tô nhập khẩu tăng thêm 6.400 USD so với giá hiện nay là 30.000 USD. Hiện Mỹ đang áp mức thuế nhập khẩu ô tô là 2,5% và xe tải là 25%.
Về phần mình, Đại sứ EU tại Mỹ David O'Sullivan tái khẳng định lập trường phản đối các biện pháp nâng thuế nhập khẩu của chính quyền Mỹ với lý do đảm bảo an ninh quốc gia nhưng thực chất là để bảo vệ các lợi ích kinh tế. Cùng ngày, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom khẳng định EU sẽ có biện pháp đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với ô tô của khối này.
Còn Phó Đại sứ Canada tại Mỹ Kirsten Hillman cảnh báo, nếu Mỹ áp thuế mới đối với ô tô nhập khẩu, Canada sẽ một lần nữa phải có động thái đáp trả “tương xứng”. Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland, và Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Kim Hyun-chong cùng ngày 19/7 đã có cuộc thảo luận và đi đến thống nhất tiếp tục cùng nhau tìm các giải pháp để bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước trước khả năng Mỹ áp thuế suất 25% lên ô tô nhập khẩu "vì lý do an ninh quốc gia".
Hiệp hội Kinh doanh ô tô Canada (CADA) cảnh báo, tranh chấp thương mại trong lĩnh vực ô tô giữa nước này và Mỹ sẽ làm tăng giá xe mới từ 5.000 - 9.000 USD/chiếc và dẫn đến nguy cơ 1/5 lao động trong lĩnh vực này ở Canada sẽ bị mất việc làm.