Khi mâu thuẫn thương mại được đẩy cao tạo ra các rủi ro đối với các nhà xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tổng thể của Trung Quốc, nhiều nhà kinh tế dự đoán Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) trong những tháng tới sẽ hạ thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Tính từ đầu năm đến nay, PBoC đã ba lần hạ RRR.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói về tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN |
Một nguồn tin thân cận trong ngành ngân hàng cho biết PBoC lên kế hoạch đưa ra các biện pháp gia tăng tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Đó là khuyến khích các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay và tăng đầu tư vào trái phiếu do các công ty và các cơ quan trực thuộc chính quyền địa phương (LGFV) phát hành.
PBoC hiện cũng đã cho phép các ngân hàng thương mại tiếp cận Cơ chế Cho vay Trung hạn (MLF), đặc biệt là các ngân hàng đã đầu tư vào trái phiếu được xếp hạng AA+ hoặc dưới mức này.
Hiện các điều kiện về tiền mặt của Trung Quốc đã cải thiện, được thể hiện qua việc lãi suất chủ chốt kỳ hạn bảy ngày đối với các ngân hàng đã giảm xuống 2,6409% trong ngày 19/7, thấp hơn 37 điểm cơ bản so với các mức cao ghi nhận trong cuối tháng trước.
Hiện PBoC chưa đưa ra bình luận nào về các kế hoạch của mình, song một nhà giao dịch tại một ngân hàng châu Á đặt trụ sở tại Thượng Hải cho biết thị trường trái phiếu đã chứng kiến một mức tăng đáng kể trong khối lượng giao dịch trái phiếu LGFV.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong quý II/2018, thấp hơn dự kiến đưa ra trước đó. Tăng trưởng sản lượng chế tạo của nước này trong tháng 6/2018 đã giảm xuống mức thấp trong hai năm giữa bối cảnh tranh cãi thương mại với Mỹ gia tăng. Đồng nhân dân tệ (NDT) phiên 19/7 có lúc giảm xuống mức thấp trong một năm so với đồng USD là 6,798 NDT/USD.