Trong phát biểu ngày 12/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định cuộc tiếp xúc với Taliban có sự tham dự của giới chức Mỹ, cộng đồng tình báo và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ mang tính tích cực. Trọng tâm cuộc gặp là các quan ngại về vấn đề an ninh và khủng bố, hành lang an toàn cho công dân nước ngoài và người Afghanistan từng làm việc cho Mỹ rời khỏi Afghanistan. Phía Mỹ cũng nêu ý kiến Taliban cần bảo đảm quyền của nữ giới và trẻ em gái tại quốc gia Tây Nam Á này để cộng đồng quốc tế thừa nhận tính hợp pháp.
Ngoài ra, cùng ngày đã diễn ra một cuộc gặp riêng rẽ giữa các quan chức từ Liên minh châu Âu (EU) với đại diện của lực lượng Taliban.
Về phần mình, quyền Ngoại trưởng trong chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan, ông Amir Khan Muttaqi lên tiếng cảnh báo nếu Mỹ và châu Âu tiếp tục gây sức ép cho Taliban thông qua trừng phạt thì điều này sẽ làm xói mòn an ninh và có khả năng châm ngòi cho làn sóng di cư do khó khăn kinh tế.
Trong khuôn khổ cuộc gặp tại thủ đô Doha (Qatar), ông Muttaqi nhấn mạnh việc làm suy yếu chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan không nằm trong lợi ích của bất kỳ nước nào và những hậu quả tiêu cực của việc này sẽ tác động trực tiếp tới thế giới, nhất là trong lĩnh vực an ninh, cũng như gây ra tình trạng di cư do khó khăn kinh tế từ quốc gia Nam Á này. Quyền Ngoại trưởng Muttaqi kêu gọi các nước trên thế giới chấm dứt trừng phạt và tạo điều kiện cho các ngân hàng tại Afghanistan hoạt động bình thường, từ đó các nhóm, tổ chức từ thiện và chính quyền có thể trả lương cho nhân viên bằng nguồn dự trữ của các tổ chức này và sự hỗ trợ tài chính quốc tế.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, lực lượng Taliban đã đánh chiếm các thành phố và nắm quyền trở lại tại Afghanistan sau cuộc xung đột kéo dài 2 thập kỷ tại quốc gia Tây Nam Á này. Không chỉ phải đối phó với mối đe dọa từ các nhóm cực đoan trong nước, trong đó phải kể đến "Nhà nước Hồi giáo-Khorasan" (IS-K) tự xưng, tình hình tài chính tại Afghanistan gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt quốc tế khiến các ngân hàng nước này cạn kiệt tiền mặt và công chức không được trả lương.
Các nước châu Âu trước đó đã quan ngại rằng nếu nền kinh tế Afghanistan sụp đổ, một lượng lớn người di cư sẽ tới lục địa này, gây áp lực đối với các quốc gia láng giềng như Pakistan và Iran và cuối cùng là ở biên giới EU.
Liên quan đến các quỹ tại Afghanistan, ngày 13/10, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho hay hiện không có một lộ trình rõ ràng cho việc dỡ bỏ phong tỏa các quỹ của chính phủ cũ của Afghanistan.
Qatar là nước chủ trì các cuộc đàm phán giữa Taliban và giới chức phương Tây, đồng thời được nhận định là quốc gia có ảnh hưởng với phong trào Taliban. Một số lượng lớn trong 10 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan đang bị phong tỏa ở nước ngoài.