Người phát ngôn của EU, Nabila Massrali, nhận định cuộc họp có thể cho phép phía Mỹ và châu Âu giải quyết các vấn đề như việc tự do đi lại cho những người muốn rời khỏi Afghanistan, tiếp cận viện trợ nhân đạo, tôn trọng quyền của phụ nữ và ngăn chặn quốc gia Tây Nam Á trở thành nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, bà khẳng định cuộc trao đổi này không đồng nghĩa với việc công nhận "chính phủ lâm thời" của Afghanistan.
Trong khi đó, ngày 10/10, Washington đánh giá cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Taliban tại Dohar (Qatar) đã diễn ra một cách "chuyên nghiệp và thẳng thắn". Cuộc gặp tập trung vào các mối quan ngại an ninh và khủng bố, hành lang an toàn cho công dân Mỹ, công dân các nước khác và người dân Afghanistan, cũng như vấn đề nhân quyền, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào mọi mặt của xã hội Afghanistan.
Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan vào tháng 8 năm nay sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này. Hiện chính quyền Taliban chưa được quốc gia nào công nhận là chính phủ hợp pháp ở Afghanistan. Trong khi đó, nền kinh tế Afghanistan đang lâm vào tình trạng khó khăn do bị cắt viện trợ quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp và giá lương thực tăng mạnh.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 11/10 kêu gọi thế giới tăng hỗ trợ tài chính cho Afghanistan để giúp quốc gia này chống đỡ trước nguy cơ sụp đổ kinh tế. Bên cạnh đó, ông Guterres hối thúc Taliban tôn trọng và đảm bảo thực thi đầy đủ các quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan theo luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng nếu không có sự tham gia của phái nữ, "nền kinh tế và xã hội Afghanistan sẽ không thể phục hồi".