Mỹ đã sẵn sàng 7 phương án quân sự đối phó Triều Tiên

Các phương án quân sự để đối phó với Triều Tiên do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ gửi tới Quốc hội nước này ngày 27/10 này bao gồm từ tăng cường răn đe Bình Nhưỡng cho tới thay đổi chế độ tại Triều Tiên và rút lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.

Trong báo cáo gửi các nghị sĩ Mỹ ngày 27/10, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đã đưa ra 7 phương án quân sự mà nước này có thể triển khai để đối phó với Triều Tiên. Các phương án này bao gồm từ tăng cường răn đe và kiềm chế Bình Nhưỡng cho tới thay đổi chế độ tại Triều Tiên và rút lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.

Duy trì nguyên trạng bối cảnh quân sự hiện nay:


Với phương án này, quân đội Mỹ có thể chỉ cần tiếp tục các hoạt động và các cuộc diễn tập quân sự thường xuyên trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ giải quyết các vấn đề liên  quan tới các biện pháp trừng phạt Triều Tiên cũng như các giải pháp ngoại giao.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có 8 năm sử dụng phương án này với hiệu quả hạn chế. Tuy nhiên, phương án này có thể giúp tình hình trên bán đảo Triều Tiên không bị leo thang thành một cuộc xung đột quân sự. Những người phản đối chính sách “kiên nhẫn chiến lược” này chỉ ra rằng phương án này đã nhiều năm thất bại trong việc ngăn chặn Triều Tiên đạt được năng lực hạt nhân hoặc tạo ra các tên lửa tầm xa.

Cho đến nay, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã bị mắc kẹt với các nguyên tắc cơ bản của chính sách kiên nhẫn chiến lược nhưng ông đã bổ sung chính sách này bằng cách triển khai nhiều tàu sân bay hơn và đôi khi đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Bình Nhưỡng bằng “lửa và sự giận dữ”.

Tăng cường vũ trang cho quân đội Mỹ tại khu vực:


Phương án này khác biệt hoàn toàn với phương án giữ nguyên bối cảnh hiện nay tại bán đảo Triều Tiên và đưa những nền tảng đáng sợ nhất của Mỹ tới khu vực, theo dõi chặt chẽ khiến Bình Nhưỡng cảm thấy chương trình hạt nhân của nước này không phải là một lựa chọn khôn ngoan.

Các máy bay tiêm kích và các máy bay ném bom của Mỹ, tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục tên lửa của hướng dẫn và thậm chí là các vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng có thể được triển khai tới Hàn Quốc và Nhật Bản trên cơ sở thường xuyên hơn để đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, hiện diện hải quân và lực lượng trinh sát điện tử gia tăng tại khu vực sẽ giúp ngăn chặn các chuyến hàng tới Triều Tiên, có thể giúp Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình vũ khí.

Một số người hoài nghi về phương án này chỉ ra rằng Triều Tiên ghét việc triển khai quân sự của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên và có thể dễ dàng xem động thái này là sự biện minh cho việc tiếp tục chương trình vũ khí bằng mọi giá. Hơn thế nữa, Mỹ không thể chỉ đơn giản đưa vũ khí vào khu vực. Bởi, điều gì sẽ xảy ra nếu một chiếc tàu Triều Tiên khai hỏa nhằm vào các thủy thủ Mỹ đang kiểm tra hàng hóa trên tàu của mình?

Bắn hạ tất cả các tên lửa và phá hủy các điểm bắn tên lửa của Triều Tiên:


Nếu Mỹ bắn hạ các tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ mất các dữ liệu thử nghiệm cần thiết để có được sự tự tin đối với kho tên lửa của mình. Nhưng phương án này đòi hỏi các vũ khí phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ, như các tàu khu trục hải quân, phải liên tục hiện diện trong khu vực, hạn chế các nguồn lực sẵn có ở khu vực khác.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn có thể thử các tên lửa tầm ngắn hơn, khiến các lực lượng Mỹ ở bán đảo Triều Tiên gặp nguy hiểm, và còn chưa rõ Bình Nhưỡng sẽ xử trí ra sao nếu các tên lửa của nước này bị bắn hạ.

Về các địa điểm thử tên lửa của Triều Tiên, chỉ với các cuộc không kích hạn chế và vài vụ phóng tên lửa Tomahawk của hải quân, quân đội Mỹ sẽ phá hủy “trong nháy mắt” tất cả các bệ phóng tên lửa và nơi sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Một điều đáng nói là Mỹ có thể không nắm rõ toàn bộ cơ sở hạ tầng sản xuất tên lửa của Triều Tiên, và có thể dễ dàng để sót một số địa điểm bí mật hoặc địa điểm dưới lòng đất. Và trong khi hầu hết các tên lửa Triều Tiên được phóng từ các địa điểm cố định, Triều Tiên đã phát triển các tên lửa nhiên liệu rắn có thể được phóng từ bất cứ địa điểm nào và bất cứ thời gian nào.

Trong khi đòn tấn công này có thể giúp Mỹ loại bỏ mối đe dọa của các tên lửa ICBM, Bình Nhưỡng có thể xem đây là cuộc tấn công “cắt ngọn” quy mô lớn chống lại chế độ Kim Jong Un.

Và vì vậy, Triều Tiên có thể triển khai toàn bộ lực lượng pháo binh đáp trả các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tại khu vực, cũng khi phóng tên lửa hạt nhân nhằm vào Nhật Bản và Hàn Quốc.

Báo cáo của CRS nhắc đến những nguy cơ nếu xảy ra xung đột tại bán đảo Triều Tiên. Theo đó, số người thiệt mạng trong ngày giao tranh đầu tiên có thể từ 30.000-300.000 dù Bình Nhưỡng chỉ sử dụng vũ khí quy ước mà không cần đến vũ khí hạt nhân.

Hoàn thành phi hạt nhân hóa Triều Tiên bằng vũ lực:


Phương án này thậm chí là một chiến dịch quân sự lớn hơn nhằm vào tất cả các cơ sở hạt nhân và tên lửa trên khắp Triều Tiên. Thay vì chỉ không kích và phóng tên lửa hành trình, loại hình tấn công này có thể có sự tham gia của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đổ bộ xuống biên giới để vô hiệu hóa các khu vực trọng yếu của Triều Tiên.

Phương án này sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ thảm khốc đối với các đồng minh của Mỹ.

Thay đổi chế độ Triều Tiên:


Nếu Mỹ nhận thấy chế độ Kim Jong Un có ý định xấu với người dân Mỹ, thì thay đổi chế độ ở Triều Tiên bằng vũ lực có thể sẽ diễn ra.

Nhưng phương án này không hề đơn giản. Mỹ không thể chỉ thủ tiêu nhà lãnh đạo Kim Jong Un và khiến 25 triệu người dân Triều Tiên đầu hàng. Triều Tiên về cơ bản sẽ vẫn tồn tại dưới “sự lãnh đạo mãi mãi” của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Những người Triều Tiên khắc sâu các khẩu hiệu tuyên truyền sẽ tiếp tục chiến đấu, thậm chí là còn dữ dội hơn, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un qua đời.

Đây được đánh giá là phương thức nhiều rủi ro với các yếu tố khó đoán bao gồm vòng bảo vệ chặt chẽ quanh ông Kim Jong Un.

Rút lính Mỹ khỏi Hàn Quốc:


Phương án này trái ngược lại tất cả các lựa chọn quân sự khác được Mỹ cân nhắc nhằm đối phó với Triều Tiên.

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân đơn giản bởi vì Mỹ có binh lính tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Và nếu Mỹ rút quân, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ không cảm thấy bị áp lực và Trung Quốc hoặc cộng đồng quốc tế có thể dễ dàng đưa ông đến phi hạt nhân hóa.

Nhưng ý kiến này dựa nhiều vào phản ứng của ông Kim Jong Un đối với một Hàn Quốc suy yếu. Chẳng có gì đảm bảo rằng ông Kim Jong Un sẽ đàm phán sau khi giành được ưu thế so với Hàn Quốc. Thêm nữa, bản báo cáo cũng cho rằng Mỹ nên chấm dứt việc triển khai quân đội hợp pháp tới Nhật Bản và Hàn Quốc với hy vọng rằng đổi lại, Triều Tiên sẽ chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân bất hợp pháp.

Có vẻ như chưa có phương án nào ở trên đưa ra một giải pháp hoàn hảo, và nhiều phương án có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn tại bán đảo Triều Tiên.

Theo báo cáo của CRS, sự lãnh đạo của Triều Tiên và sự theo đuổi chương trình hạt nhân của họ tồn tại dưới dạng các lựa chọn về chính trị, chứ không phải chỉ có quân sự. Về mặt này, trong khi quân đội Mỹ và đồng minh có thể đánh bại Triều Tiên và “nghiền nát” chương trình hạt nhân của nước này, cuộc chiến nếu xảy ra có thể cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và dẫn tới nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân trong thế kỷ 21.

Nói một cách đơn giản, các phương án quân sự không giải quyết được các vấn đề về chính trị. Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất xảy ra tại bán đảo Triều Tiên, nước Mỹ đã sẵn sàng ứng phó.

Trần Minh/Báo Tin Tức
Triều Tiên tuyên bố không đàm phán từ bỏ vũ khí hạt nhân
Triều Tiên tuyên bố không đàm phán từ bỏ vũ khí hạt nhân

Ngày 4/11, Triều Tiên tuyên bố không đàm phán với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa, đồng thời khẳng định chương trình hạt nhân là lựa chọn chiến lược giúp Bình Nhưỡng tăng cường khả năng phòng thủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN