Tờ telegraph ngày 18/11 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ lần đầu tiên cho phép Ukraine triển khai tên lửa Storm Shadow tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đánh dấu thêm một bước ngoặt mới trong hỗ trợ quân sự từ phương Tây giành cho Kiev.
Tên lửa Storm Shadow, do Anh sản xuất, được kỳ vọng sẽ được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu chiến lược tại tỉnh Kursk của Nga, nơi Ukraine đang đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang chịu áp lực lớn để cấp phép sử dụng tên lửa Taurus, một dòng tên lửa có tầm bắn xa hơn và nguồn cung dồi dào hơn Storm Shadow. Tuy nhiên, ông Scholz vẫn kiên quyết từ chối, khiến các nhà phân tích cho rằng điều này có thể cản trở nỗ lực của Ukraine trong việc giành lợi thế trên chiến trường.
Tại hội nghị G20 ở Rio de Janeiro, Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh rằng các nước phương Tây cần “tăng cường hỗ trợ” để đối phó với việc Nga nhờ sự hỗ trợ từ quân đội nước thứ 3. Ông khẳng định cần đảm bảo Ukraine có đầy đủ những gì cần thiết, trong thời gian cần thiết, để không cho phép Nga “thắng trong cuộc chiến này".
Giờ đây, London hy vọng Tổng thống Biden sẽ đưa ra quyết định sau khi nhiều lần từ chối yêu cầu từ Anh. Hệ thống tên lửa này chỉ có thể hoạt động hiệu quả với sự hỗ trợ từ hệ thống của Mỹ. Trước đó, Mỹ lo ngại rằng việc triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ Nga có thể làm leo thang xung đột. Tuy nhiên, sự xuất hiện của quân đội thứ 3 đã thay đổi tình thế, khiến Mỹ phải phản ứng mạnh mẽ hơn.
Storm Shadow là loại tên lửa tấn công chiến thuật với tầm bắn khoảng 250 km được thiết kế để phá hủy các mục tiêu kiên cố như kho vũ khí, trung tâm sửa chữa và sân bay quân sự. Ukraine đã triển khai tên lửa Storm Shadow và ATACMS do Mỹ và Anh cung cấp, nhưng chỉ được sử dụng trong lãnh thổ của mình.
Tình báo Mỹ cho rằng hầu hết máy bay quân sự của Nga đã được di chuyển ra khỏi tầm bắn của cả hai tên lửa (Storm Shadow và ATACMS), và dự đoán rằng ông Biden sẽ chấp thuận cho triển khai chúng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sử dụng Storm Shadow sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong việc tái cung cấp lực lượng tại các khu vực chiến sự như Kursk, đồng thời tăng áp lực lên hệ thống phòng thủ của Nga.
Dù Mỹ và Anh đã có những quyết định quan trọng, Thủ tướng Đức Scholz vẫn từ chối cấp phép sử dụng tên lửa Taurus trên lãnh thổ Nga. Quyết định này đã gây ra làn sóng chỉ trích, với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gọi ông Scholz là người "không xứng đáng lãnh đạo Đức”.
Trước đó, vào ngày 17/11, thông tin tên lửa ATACMS đã được cấp phép xuất hiện trên tờ The New York Times, nhưng chưa được các quan chức Mỹ xác nhận.
Vấn đề này đã chi phối ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil, nơi Thủ tướng Anh Keir gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phố Downing từ chối cho biết liệu họ có thảo luận về vấn đề này hay không, nhưng cho biết mỗi bên đều hứa sẽ "tham gia một cách trung thực và thẳng thắn vào những lĩnh vực mà chúng ta có quan điểm khác nhau, bao gồm cả xung đột tại Ukraine".
Một số đồng minh của tổng thống đắc cử Donald Trump đã lên án quyết định cho phép triển khai tên lửa tầm xa bên trong nước Nga của ông Biden, mặc dù chưa có quan chức nào được ông đề cử vào các vị trí chủ chốt chỉ trích động thái này.
Không rõ liệu ông Trump có cho phép sử dụng ATACMS và Storm Shadows sau khi nhậm chức vào ngày 20/12025 hay không. Ông đã hứa sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước khi ông nhậm chức, và chấm dứt chiến tranh thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 18/11, các thành viên liên minh AUKUS (Anh, Mỹ, Úc) cũng công bố kế hoạch đẩy nhanh phát triển tên lửa siêu vượt âm, với mục tiêu hoàn thành đến sáu thử nghiệm trước năm 2028. Đây được coi là bước đi chiến lược nhằm chuẩn bị cho tương lai của chiến tranh công nghệ cao.