Liệu tên lửa ATACMS có thay đổi cục diện xung đột Nga-Ukraine?

ATACMS (Army Tactical Missile Systems) là hệ thống tên lửa tầm xa, có nhiều phiên bản khác nhau, thường mang theo đầu đạn chứa bom chùm hoặc đầu đạn nổ mạnh.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một bước ngoặt quan trọng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 17/11 đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa (ATACMS) do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Quyết định được đưa ra chỉ hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Washington đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

ATACMS (Army Tactical Missile Systems) là hệ thống tên lửa tầm xa, có nhiều phiên bản khác nhau, thường mang theo đầu đạn chứa bom chùm hoặc đầu đạn nổ mạnh. Ukraine lần đầu tiên sử dụng loại vũ khí này vào tháng 10/2023. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ATACMS đã "chứng minh được sức mạnh" trên chiến trường.

Quyết định này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng tại Washington và Kiev sau khi quân đội nước thứ 3 tham gia xung đột, được cho là tập trung tại tỉnh Kursk của Nga, đã khiến Mỹ quyết định tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Trước đó, tổng thống Zelensky đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cho phép sử dụng các loại vũ khí hiện đại để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Ukraine hiện có thể sở hữu phiên bản M39A1 Block IA của ATACMS, với tầm bắn từ 70 đến 300 km, mang theo 300 bom chùm dẫn đường bằng hệ thống định vị GPS. Ngoài ra, họ cũng có thể sử dụng phiên bản M57, mang đầu đạn nổ mạnh nặng 230 kg, với tầm bắn tương tự. Đây là những loại tên lửa từng được sử dụng trong các chiến dịch quân sự lớn của Mỹ như "Iraqi Freedom" hay "Enduring Freedom".

Trước đó, Ukraine đã nhận được tên lửa SCALP và Storm Shadow từ Pháp và Anh, có tầm bắn lên tới 250 km. Tuy nhiên, không rõ liệu các nước này có cho phép sử dụng chúng để tấn công xuyên biên giới hay không. Với ATACMS, Ukraine hiện có lợi thế tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đặc biệt là những khu vực có căn cứ quân sự.

Thực tế trên chiến trường và theo các nhà phân tích, Ukraine hiện đang ở thế bất lợi rõ ràng, bị áp đảo về quân số và không thể phá vỡ các tuyến tiếp tế của Nga, phá hủy các căn cứ không quân và nhắm vào các khu vực tập kết quân đội phía sau tiền tuyến của Nga. Cũng có những dấu hiệu rõ ràng về nguy cơ rất thực tế là các tuyến phòng thủ của Ukraine đang sụp đổ, cả ở khu vực Donbass ở miền Đông và xung quanh tỉnh Kharkiv ở phía đông Bắc.

Nếu Nga thành công trong việc đẩy lùi lực lượng Ukraine ở tỉnh Kursk sẽ làm tăng nguy cơ mở một mặt trận khác trên lãnh thổ Ukraine. Quân đội và thiết bị của Nga được triển khai tại tỉnh Kursk có thể chỉ được sử dụng để tiến sâu hơn vào Ukraine sau khi lực lượng Ukraine bị đẩy ra khỏi lãnh thổ Nga.

Điều này không chỉ tước đi của Kiev con bài mặc cả duy nhất trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Moskva mà còn mang lại lợi thế cho Điện Kremlin đối với Ukraine và các đồng minh của nước này là Mỹ và châu Âu.

Theo các quan chức Mỹ, quyết định của tổng thống Biden là phản ứng trước việc quân đội nước thứ 3 tham gia hỗ trợ Nga, nhưng có khả năng cũng chịu ảnh hưởng từ một trong những cuộc không kích lớn nhất của Moskva nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine vào hôm 16/11.

Tuy nhiên, quyết định nới lỏng các hạn chế đối với việc sử dụng ATACMS sẽ không phải là bước ngoặt thay đổi cục diện xung đột trên chiến trưowfng. Tên lửa có tầm bắn 300km có thể cải thiện phần nào vị thế của Ukraine, miễn là có đủ số lượng và được triển khai một cách khôn ngoan. Không rõ Ukraine vẫn còn bao nhiêu tên lửa ATACMS, được chuyển giao lần đầu tiên vào tháng 4 vừa qua.

Rất có thể, động thái này chỉ là tạm thời. Điều tốt nhất có thể hy vọng là Ukraine sẽ có thể ổn định các tiền tuyến hiện tại và tránh mất thêm lãnh thổ cho đến ít nhất là ngày 20/1/2025 khi ông Trump nhậm chức.

Mới đây, ngày 18/11, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhân 1.000 ngày nổ ra xung đột, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga nhận định đây là một bước ngoặt lớn, rút ngắn thời gian chiến tranh. Ông khẳng định Ukraine có "quyền hoàn toàn chính đáng" để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.Về phần mình Nga cáo buộc Mỹ làm leo thang căng thẳng. Trong khi đó, LHQ bày tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo và cảnh báo rằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine có thể khiến mùa Đông sắp tới trở nên khắc nghiệt nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Cũng tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ an ninh, bao gồm pháo binh, phòng không, xe bọc thép và các loại vũ khí cần thiết khác. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Lammy khẳng định: "Chúng tôi vẫn đứng về phía Ukraine, dù đã 1.000 ngày trôi qua". 

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo CNA, Reuters, AFP)
Đồng minh của ông Trump phản ứng khi Mỹ cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga
Đồng minh của ông Trump phản ứng khi Mỹ cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công Nga

Những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã phản ứng trước thông tin Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN