Mỹ chỉ trích hiệp ước di cư của Liên hợp quốc

Ngày 7/12, Mỹ lên tiếng chỉ trích Hiệp ước Toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc (LHQ), chỉ vài ngày trước khi một hội nghị cấp cao của LHQ tại Maroc dự kiến phê chuẩn văn bản này.

Chú thích ảnh
Người di cư Trung Mỹ tại khu vực ngoại ô Mexico City, Mexico, trong hành trình tới Mỹ ngày 10/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố của mình, Washington gọi Hiệp ước Toàn cầu về di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên là "một nỗ lực của LHQ nhằm tăng kiểm soát toàn cầu và giảm quyền tự quyết của các nước đối với hệ thống nhập cư của chính mình".

Tuyên bố dài 3 trang của Mỹ liệt kê một số quan điểm phản đối mà nước này cho rằng mâu thuẫn với luật pháp Mỹ. Bên cạnh đó, Washington cũng lo ngại hiệp ước của LHQ đang xem nhẹ tác động của di cư đối với các nước điểm đến, chẳng hạn như mất cơ hội việc làm với người bản xứ, đặc biệt đối với nhóm người lao động kỹ năng thấp, và gia tăng áp lực đối với ngành dịch vụ công. 

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh LHQ đang chuẩn bị cho hội nghị phê chuẩn Hiệp ước Toàn cầu về di cư, dự kiến sẽ diễn ra tại Marrakech trong các ngày 10 - 11/12. Khi được tất cả các quốc gia thành viên LHQ, trừ Mỹ, thông qua hồi tháng 7 vừa qua, hiệp ước này được hoan nghênh là một thành công ngoại giao của LHQ. Tuy nhiên, mới đây, các nước Hungary, Áo, CH Séc, Ba Lan, Bulgaria và Australia đã liên tiếp tuyên bố rút khỏi hiệp ước này.  

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric lấy làm tiếc về việc một số nước rút khỏi hiệp ước toàn cầu về di cư, đồng thời nhấn mạnh những nước này luôn được hoan nghênh quay trở lại. Nhấn mạnh tới việc đây là một thỏa thuận không ràng buộc, ông Dujarric tái khẳng định hiệp ước hướng tới giúp đỡ các nước quản lý tốt hơn dòng người di cư chứ không nhằm thách thức chính quyền của các quốc gia trong hoạt động kiểm soát biên giới.

Theo kế hoạch, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ tham dự lễ phê chuẩn tại Marrakech. Ngoài ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ có mặt tại sự kiện này. Sau khi được phê chuẩn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư sẽ được đưa ra bỏ phiếu thông qua tại Đại Hội đồng LHQ dự kiến trong ngày 19/12 tới.

Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3%  dân số toàn thế giới. Hiệp ước này bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà. 

Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở các nước Trung Đông và châu Phi. Đến nay lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn còn rất nặng nề tại EU. Tại biên giới Mexico - Mỹ, hàng nghìn người di cư cũng đang trực chờ để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nước này phải triển khai binh sĩ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay.

Trước sự quay lưng của nhiều nước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng bảo vệ hiệp ước này. Theo bà, cũng giống như hiệp ước cho người tị nạn, Hiệp ước Toàn cầu về di cư là "đáp án đúng" để các nước cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bà nhấn mạnh cuộc khủng hoảng người tị nạn đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề di cư trong bối cảnh quốc tế, và không quốc gia nào có thể làm điều đó một mình. Bà đồng thời cho rằng Hiệp ước Toàn cầu về di cư là tình huống "hợp tác cùng có lợi" và không có sự ràng buộc về mặt pháp lý.

Minh Ngọc (TTXVN)
Mỹ, Mexico cam kết giải quyết thách thức chung vấn đề người di cư
Mỹ, Mexico cam kết giải quyết thách thức chung vấn đề người di cư

Ngày 2/12, tân Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp được xem là "thân thiện" trong bối cảnh có những căng thẳng về khủng hoảng di cư tại biên giới hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN