Bộ Ngoại giao Slovakia nêu rõ sau cuộc bỏ phiếu tại quốc hội ngày 29/11, Ngoại trưởng Miroslav Lajcak đã từ chức. Thông tin chi tiết sẽ được công bố sau khi ông Lajcak gặp Thủ tướng Peter Pellegrini và Tổng thống Andrej Kiska.
Ông Lajcak từng giữ chức Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc vào thời điểm hiệp ước về người di cư này được thông qua hồi tháng 7 vừa qua. Gần đây, ông cũng dọa từ chức nếu Slovakia không ủng hộ hiệp ước.
Trước đó, Chính phủ Slovakia tuyên bố phản đối Hiệp ước toàn cầu về di cư. Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini khẳng định quốc gia này sẽ không bao giờ ủng hộ hay nhất trí với hiệp ước của LHQ về người di cư. Đặc biệt, Slovakia phản đối điều khoản không phân biệt người di cư hợp pháp hay bất hợp pháp vì quốc gia này coi những người di cư vì mục đích kinh tế là bất hợp pháp, gây tổn hại và là nguy cơ đe dọa an ninh với quốc gia đến. Thủ tướng Slovakia còn cho biết thêm nếu việc cử đại diện tham gia buổi lễ ký kết được hiểu là Slovakia tham gia hiệp ước thì chính phủ nước này sẽ không cử bất kỳ đại diện nào, kể cả Ngoại trưởng Miroslav Lajcak.
Các nước khác như Hungary, Ba Lan, CH Séc, Áo cũng công bố ý định rút khỏi thỏa thuận trên. Tuy nhiên, hiện phần lớn các nước đã ký thỏa thuận vẫn giữ cam kết đối với cơ chế hợp tác không mang tính ràng buộc được xây dựng nhằm mục tiêu rõ ràng là giúp cho việc di cư quốc tế được an toàn, có trật tự và đều đặn này.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 29/11, Quốc hội Liên bang Đức đã có cuộc tranh luận gay gắt và bỏ phiếu đối với Hiệp ước toàn cầu về người di cư. Với 372 phiếu thuận, 153 phiếu chống và 141 phiếu trắng, Quốc hội Đức đã thông qua dự thảo hiệp ước này. Tuy nhiên, Quốc hội Đức cũng yêu cầu chính phủ liên bang đảm bảo để hiệp ước này không làm hạn chế chủ quyền quốc gia.
Trong cuộc tranh luận, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas ca ngợi hiệp ước như là một "thành công đáng kể trong hợp tác quốc tế". Theo ông Maas, với thách thức về vấn đề di cư, không có câu trả lời cho bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào và khẳng định, hiệp ước này là "đúng đắn và quan trọng". Với Đức, hiệp ước gắn liền với lợi ích của nước này trong kiểm soát di cư.
Mặc dù đưa ra các quan điểm riêng về hiệp ước nêu trên, song các đảng Dân chủ tự do (FDP), đảng Cánh tả và đảng Xanh cũng đều đồng ý về nguyên tắc đối với hiệp ước này.
Trong khi đó, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) phản đối hiệp ước và đề nghị Quốc hội liên bang tiếp tục thảo luận vào ngày 30/11. Phó Chủ tịch AfD Gottfried Curio cảnh báo về "sự mất kiểm soát của luật lệ", "hỗn loạn" và một "chương trình tái định cư khổng lồ".
Trước tình hình một số quốc gia có ý định rút khỏi thỏa thuận trên, ngày 27/11, Đại diện đặc biệt của LHQ về vấn đề di cư quốc tế Louise Arbour chỉ trích hành động này làm xấu hình ảnh của những nước đó và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần chủ nghĩa đa phương.
Hiệp ước Toàn cầu về di cư đã được các nước thành viên LHQ thông qua hồi tháng 7 sau 18 tháng đàm phán. Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thế giới đã tăng lên 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới. Dự kiến, hiệp ước trên sẽ được chính thức thông qua vào tháng 12 tới tại Maroc.